Nhật thành công với kỹ thuật in 3D thịt bò bản địa Wagyu hảo hạng
(DNTO) - Các nhà khoa học tại Đại học Osaka Nhật Bản đã in 3D thành công một khối thịt bò Wagyu hoàn chỉnh, có cả những lớp vân cẩm thạch đặc trưng. Kỳ tích này đã chứng minh một điều, mai này người ta không cần phải giết cả con bò để có được chỉ một miếng thịt ngon.
Thông qua một công nghệ mới gọi là in sinh học, phòng thí nghiệm của các nhà khoa học tại Đại học Osaka Nhật Bản đã in 3D thành công một miếng bít-tết đặc sản xứ Phù Tang, Wagyu. Tảng thịt bò kỹ thuật số hảo hạng thế giới này cũng có đủ các sợi tế bào protein được ghép lớp theo mô hình rất đặc trưng để tạo ra các vân mỡ cẩm thạch như thường thấy trong miếng thịt bò Wagyu được chăn nuôi, vốn có giá đắt số 1 trên thị trường thực phẩm, đến 200 USD cho chỉ nửa kg.
Với sản phẩm “nhân tạo” này, người ta tin rằng một ngày nào đó khoa học sẽ giúp tạo ra những tảng thịt dạng nuôi cấy công nghệ, được sản xuất rộng rãi và bền vững trông chẳng khác gì các sản phẩm ngành chăn nuôi chính hiệu. Bằng cách sử dụng tế bào gốc trích lấy từ bò Wagyu, các chuyên gia phòng lab đã tạo ra một cấu trúc protein có vân cẩm thạch đặc trưng, đặc điểm tạo sự khác biệt so với các loại thịt bò khác.
Sau khi cô lập các tế bào thịt, chúng được xếp chồng lên nhau theo quy trình sắp lớp từ cơ, mạch máu đến chất béo; và rồi tất cả được định hình thành dạng miếng bít-tết nhờ sử dụng kỹ thuật in sinh học 3D. Thành công này có thể là một bước tiến lớn đối với thị trường lương thực bền vững trong tương lai, khi các loại thịt nuôi cấy được tạo ra gần giống với các sản phẩm tự nhiên.
Xét về nguồn gốc, loại thịt trích xuất tế bào động vật này khác với thịt được tạo ra từ thuần thực vật, vốn là những sáng tạo gần đây của các thương hiệu mới như Beyond Meat hay Impossible Foods. Qua cải tiến công nghệ vừa kể, thịt nhân tạo kiểu bò Wagyu không những có ngay các đặc điểm ngoại hình độc đáo mà người ta còn có thể tùy ý điều chỉnh tinh tế các thành phần chất béo và cơ chúng sở hữu.
Theo nhà nghiên cứu dự án, Michiya Matsusaki, với những kỹ thuật này, một ngày nào đó khách hàng có thể đặt hàng một phần thịt đặc sản bản địa từ phòng lab, chứa đúng lượng chất béo và được chế biến theo sở thích và sức khỏe mà họ mong muốn.
Năm 2019, giá trị xuất khẩu thịt bò Wagyu của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục với 268,8 triệu USD lợi nhuận, tăng 20% so với năm 2018. Mặc dù đây có thể được xem là miếng thịt bò Wagyu đầu tiên ra đời theo công nghệ in 3D, nhưng nhiều loại bít-tết khác cũng đang được thực hiện theo cách này nhờ hệ thống máy in sinh học.
Hồi đầu tháng 2 năm nay, Aleph Farms đã bắt tay với Khoa Kỹ thuật Y sinh tại Học viện Công nghệ Technion, Israel, cùng nuôi cấy tế bào thịt bò Mỹ để in sinh học ra các tảng bít-tết phần thăn lưng cực ngon mềm, ngọt béo ngậy với lớp mỡ rất mỏng. Tuy nhiên, đến nay Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vẫn chưa công nhận về pháp lý cho các sản phẩm dạng này, nên chúng chưa được thấy xuất hiện trên bàn ăn nhà hàng.