Liệu chiến lược của Apple có khống chế được thế giới như họ mong muốn?
(DNTO) - Đến giờ này, cho dù mỗi người có sở hữu thiết bị của Apple hay không, “Trái táo cắn dở” bất chấp thời điểm thành công hay thất bại, vẫn miệt mài tìm mọi cách để áp đặt ảnh hưởng của mình lên thế giới. Liệu ý muốn ấy có đạt sở nguyện?
Thành công của công ty vốn hóa nghìn tỷ USD, Apple, xưa nay luôn được đưa ra mổ xẻ là chuyện không lạ. Chỉ có điều khiến người ta thắc mắc là dường như lúc nào “trái táo cắn dở” cũng tìm cách uốn cong thế giới, muốn áp đặt ảnh hưởng của mình lên người tiêu dùng.
Các chuyên gia trong nghề đã lấy mô hình phân tích tâm lý ra để lý giải: Những kẻ dùng sức mạnh để áp chế người khác thường là do xuất phát từ... nỗi sợ! Tại sao gã khổng lồ công nghệ Apple lại rơi vào trạng thái lúc nào cũng như “đang ngồi trên đống lửa” như vậy?
Điều rất đáng ngạc nhiên là thời gian gần đây, dường như Apple không nhúc nhích phản ứng khi bị các cơ quan quản lý và một số công ty ứng dụng lên tiếng phàn nàn, kêu ca về những mặt trái khiếm khuyết của hệ thống ứng dụng mà Apple đã tạo ra hơn một thập kỷ trước. Nói thẳng ra là đại gia công nghệ này đã lạm dụng quyền kiểm soát trên các ứng dụng iPhone của mình để áp đặt nhiều khoản phí không công bằng và gây phức tạp đối với các nhà phát triển ứng dụng khác.
Điển hình là vụ kiện mà Epic Games, nhà sản xuất trò chơi điện tử Fortnite, đã đâm đơn và đang chờ tòa xử lý chống lại Apple. Để đối phó, Apple biện minh việc thực hiện quyền kiểm soát các ứng dụng trên điện thoại và thu tiền hoa hồng từ chúng là hoàn toàn đúng đắn, chẳng có gì sai luật. Nhưng thực sự, đằng sau tất cả những động thái ấy là họ đang che giấu một thứ: Nỗi sợ hãi.
Việc gì khiến “chúa tể thế giới smartphone” lại phải lo lắng? Công ty đã cực kỳ thành công và ôm về nhiều tiền mặt đến mức khó có đối thủ cạnh tranh. Nhân viên của nó sở hữu những thứ sang cả và đắt đỏ hơn hầu hết những người làm công ăn lương khác. Nhưng thực tế hiện nay là doanh số bán điện thoại thông minh của Apple có lẽ sẽ không bao giờ đạt được sự tăng trưởng đột biến như ở những năm 2010, thời điểm đã đưa công ty này trở thành siêu sao trong thị trường công nghệ.
Giống như sức phổ biến toàn cầu của mặt hàng tủ lạnh, điện thoại thông minh qua bàn tay nhào nặn của Apple đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại ở nhiều quốc gia. Thế nhưng giờ đây, xem chừng người mua đã hạ nhiệt cơn sốt chạy theo hàng của các phiên bản mới ra, và số lượng người tiêu dùng thay đổi điện thoại xoành xoạch cũng đang giảm bớt nhiều.
Apple đã thấy sờ sợ khi cảm nhận được sự sa sút sức hút từ các dòng smartphone của mình. Họ đã thay đổi chiến lược để kiếm nhiều tiền hơn từ các tiện ích mà người dùng rủng rỉnh tiền bạc chịu chi để sử dụng, chứ không nhăm nhăm vào lợi nhuận thuần từ từng chiếc điện thoại nữa. Các tiện ích này bao gồm các dạng đăng ký, tải xuống ứng dụng như Apple Music, tai nghe AirPods và các sản phẩm hoặc dịch vụ khác được kết nối với thiết bị của công ty.
Đó không chỉ là một chiến lược thông minh, hoạt động rất hiệu quả cho đến lúc này mà còn là chiến lược thức thời, được sinh ra tùy biến đúng lúc cần thiết để đối phó với bối cảnh khi thời điện thoại thông minh đỉnh cao đã đi qua. Nhu cầu của Apple lúc này cần nhiều thứ hơn so với trước đây, giai đoạn mà họ xem mình chỉ thuần là một công ty điện thoại iPhone. Ngoài doanh số bán hàng iPhone, Apple phải thu tiền về từ các nguồn khác, nhất là từ cửa hàng ứng dụng.
Vậy chiến thuật của Apple đang gây ảnh hưởng nhiều hay ít đến các loại công nghệ mà người dùng đang sử dụng? Khá nhiều và khá tồi tệ đối với khách hàng do sự thay đổi chiến lược này! Sự biến động ấy có thể thấy ngay từ cuộc đối đầu Facebook-Apple thời gian gần đây. Hàng tỷ người sử dụng Facebook đã bị ảnh hưởng bởi chiến lược của Apple vạch ra nhằm thu nhiều tiền hơn từ các ứng dụng.
Thế là Facebook bắt đầu quyết định đăng các bản tin cho mọi người đọc bên ngoài ứng dụng để bớt phải trả các khoản phí mà Apple yêu cầu từ các đăng ký kỹ thuật số được bán trong các app iPhone. Nhiều công ty cũng cho biết, họ cảm thấy bị buộc phải tính phí bắt mọi người trả tiền các công nghệ của họ liên quan đến iPhone là do các quy tắc của Apple áp đặt.
Không có gì lạ khi thế giới xung quanh được định hình bởi mô hình kinh doanh và kế hoạch tài chính của các công ty. Tuy vậy, đôi khi chúng lại hoạt động có lợi cho chúng ta. Chẳng hạn, Microsoft đang cấp cho người dùng PC Windows quyền truy cập vào nhiều loại ứng dụng hơn. Một phần vì chủ trương của hãng khác Apple ở chỗ không cần kiếm tiền từ phí ứng dụng, đồng thời do Microsoft cũng muốn khiêu khích đối thủ Apple và nhắm đích cạnh tranh thị phần.
Cứ như thế, chiến lược muốn khống chế thế giới của Apple xem ra ngày càng không dễ. Một phần, sức mạnh “bạo chúa” đến từ nỗi sợ mất quyền kiểm soát thị phần thường không bền, đằng khác, các đối thủ kèn cựa để trấn áp thế lực này ngày xuất hiện càng nhiều, cuối cùng là, rồi cũng sẽ đến lúc người tiêu dùng “vùng lên” tìm cách thoát vòng cương tỏa, bằng cách xem xét và để mắt đến các lựa chọn công nghệ khác ngoài Apple.