Kỹ sư biết dùng AI có thể tăng sức làm việc gấp 100 lần
(DNTO) - AI (trí tuệ nhân tạo) đang trở thành lợi thế cạnh tranh của các nhân sự khi biết dùng chúng để phục vụ công việc.
Chia sẻ trong tọa đàm “Tương lai việc làm trong nền kinh tế số” hôm 21/6, ông Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập Got It và đồng sáng lập Ge Mo cho biết thực tế AI đã thay thế được nhiều công việc của con người, thậm chí biết viết code. Một số sinh viên công nghệ thông tin ra trường chỉ biết viết code ở dạng đơn giản, chắc chắn không có cơ hội.
“Tôi đã thử so sánh với bạn trẻ, họ phải làm việc đó trong vòng 1 tuần thì tôi chỉ làm trong 30 phút. Vậy tại sao mình phải cần một người trong khi không làm việc tốt bằng AI?”, ông Hùng cho biết.
Ông Trần Việt Hùng là Tiến sỹ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Iowa (Mỹ). Ông là founder Việt hiếm hoi tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Startup Got It của ông từng gọi thành công 25 triệu USD. Ông hiện là sáng lập dự án phi lợi nhuận STEAM for Vietnam, đào tạo lập trình cho trẻ em Việt Nam.
Vị này cho biết, bên cạnh các kĩ năng chung, nhân sự hiện nay cần có kỹ năng rất quan trọng là biết sử dụng AI, biến nó trở thành công cụ để nâng hiệu suất lên hàng trăm lần.
“Ở Silicon Valley, trước đây, những kỹ sư giỏi được gọi là ‘Ten Act’, tức làm việc cho ra kết quả bằng 10 người bình thường. Nhưng hiện nay, cũng với những người đó, cộng với khả năng sử dụng AI tốt, người ta gọi là “Hundred Act”, tức tăng lên 100 lần. Có thể ở Việt Nam mình chưa thấy ‘nhiệt’, nhưng ở Silicon Valley đã có rồi. Thậm chí những người làm AI truyền thống giờ còn không có cửa”, ông Hùng nêu ví dụ.
Theo vị chuyên gia, Chat GPT chỉ là mở đầu để mọi người giao tiếp với AI dễ dàng hơn. Vì hiện nay có nhiều ứng dụng và nhân sự cần tìm hiểu sâu hơn nữa. Đây là một kỹ năng sống còn trong kỷ nguyên AI, có được nó giống như sở hữu “bom nguyên tử” trong tay. Việc phát triển của công nghệ tạo ra áp lực nhưng cũng tạo ra cơ hội học tập cho mọi người. Nhân sự muốn học tập một ngành, lĩnh vực mới chỉ cần lên internet, đã có sẵn công cụ hỗ trợ lên kế hoạch, lộ trình và thời gian học tập.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Khu vực phía Bắc Navigos Search, đơn vị có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng, cho biết theo một thống kê, mỗi năm có 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Nhưng chỉ khoảng 30% trong số đó, tức khoảng 16.000 là đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Các nhà tuyển dụng thường yêu cầu nhân sự phải có kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng làm việc nhóm hay ngoại ngữ. Một điểm nữa là hiệu suất làm việc, đây là một điểm yếu của thị trường lao động Việt Nam, nếu so với các nước trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc.
“Năng suất của các lao động Việt Nam chưa cao, một số nhà tuyển dụng nước ngoài khi sang Việt Nam chia sẻ thực tế với chúng tôi là như vậy”, bà Giang nhấn mạnh và cho biết kỹ năng công nghệ sẽ giúp nhân lực tăng năng suất và lợi thế cạnh tranh trong công việc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Chương trình Học viện Công nghệ BKACAD, trước đây, công nghệ phải mất tới 20 năm mới ra thiết bị điện thoại mới, bây giờ chỉ có mấy tháng. Vì vậy, nhân sự hiện nay phải luôn trong tâm thế tiếp nhận, học hỏi những công nghệ mới, bởi bây giờ là Chat GPT, sau có thể là rất nhiều công nghệ khác mà mình không biết đang ở đâu.
“Chúng tôi hiện đang có những học viên học 2 năm, 3 năm hiện đang phải chống chọi lại với việc kỹ năng thay đổi nhanh quá. Sinh viên giờ không tự làm bài mà có Chat GPT, có cả chatbot sẵn sàng của Microsoft tích hợp trên công cụ tìm kiếm, sẵn sàng làm bài hộ. Các thầy rất khó để kiểm soát được việc đó”, ông Tuấn nói.
Năm 2022, quy mô thị trường phần mềm AI đạt khoảng 138 tỷ USD (theo Precedence Research). Dự kiến con số này sẽ lên tới 207 tỷ USD trong năm nay và đạt 1,87 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo Finbold.
Hiện nhu cầu ứng dụng AI để tự động hóa quy trình nhằm giảm chi phí, tăng cường hiệu suất kinh doanh đang gia tăng. Khi công cụ AI trở nên phổ biến hơn, nhiều công việc lặp đi lặp lại sẽ bị loại bỏ. Vì vậy, kĩ năng sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo là rất cần thiết để nhân sự có thể đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.