Vẫn tranh cãi về đạo đức AI
(DNTO) - AI (trí tuệ nhân tạo) ngày càng thay con người làm nhiều việc. Vậy pháp luật đã thực sự ràng buộc để việc sử dụng AI tuân thủ nguyên tắc đạo đức hay chưa?
Đạo đức AI hay đạo đức người sử dụng?
Ông Trần Hữu Nhân, kỹ sư dữ liệu và máy học tại Công ty Cổ phần One Mount Group, cho biết trí tuệ nhân tạo là bước tiến công nghệ tiếp theo của lịch sử loài người, sau các sáng chế về máy móc kĩ thuật, mạng internet.
Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều bước nhảy về công nghệ với khoảng cách giữa các lần ngày càng rút ngắn, từ 60 năm, rồi 55 năm, 50 năm, 40 năm, 30 năm và hiện nay được dự báo là 25 năm. Trong khoảng 25 năm tới, những thay đổi về công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng sẽ khó dự đoán chính xác.
Tuy nhiên, ông Nhân vẫn nhấn mạnh rằng AI là công cụ, hỗ trợ con người ra quyết định tốt hơn nhưng không thay thế con người trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm.
“Ví dụ AI ứng dụng trong y học để đề xuất kết quả chuẩn đoán và hướng điều trị, nhưng bác sĩ vẫn là quyết định và chịu trách nhiệm với bệnh nhân. AI bị giới hạn bởi kiến thức được huấn luyện, không có khả năng cập nhật các loại bệnh mới, và không có cảm xúc đạo đức như con người”, ông Nhân nêu ví dụ trong Tọa đàm "Quyền riêng tư thời AI" hôm 15/6.
Trước câu hỏi có nên hiểu đạo đức của AI là đạo đức của người sử dụng chúng hay không, ông Huỳnh Thiên Tứ, Giảng viên Khoa Luật tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), cho biết hiện vẫn có hai quan điểm về đạo đức của AI.
Hướng thứ nhất cho rằng không cần nguyên tắc đạo đức trong lĩnh vực này. Bởi vì các nguyên tắc đạo đức đã tồn tại và được sử dụng lâu đời như công bằng, bình đẳng, tự do, yêu thương. Những nguyên tắc này sẽ luôn tồn tại và được sử dụng dù cho có AI hay không.
Hướng thứ hai là phải tạo ra các bộ nguyên tắc đạo đức trong từng ngành nghề có sử dụng AI. Dựa theo tiêu chuẩn ngành, các doanh nghiệp sẽ giảm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chính sách nội bộ khi sử dụng AI.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân thời AI
AI có khả năng mô phỏng hành vi của con người. Nhưng chúng chỉ hoạt động được khi được cung cấp dữ liệu đầu, do vậy dữ liệu chính là “trái tim”. Tuy nhiên việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân đến đâu là phù hợp thì cần chính sách và pháp luật.
Phân tích chính sách bảo vệ quyền riêng tư tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Lan Phương, cán bộ phân tích chính sách tại Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), cho biết Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được ban hành gần đây là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam chính thức sử dụng khái niệm dữ liệu cá nhân, quy định về nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các chủ thể có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân.
Theo đó, khi thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân phải có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Người thu thập, sử dụng dữ liệu phải có nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“Đây là các quy định đáp ứng được thách thức do loại công nghệ phức tạp như công nghệ trí tuệ nhân tạo đặt ra. Bởi hiện nay, chúng ta chưa dự liệu hết các rủi ro khi áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu cá nhân và công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển rất nhanh chóng nên quy định nghĩa vụ đánh giá rủi ro và khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn công nghệ sẽ đảm bảo hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân luôn được thiết kế để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân”,bà Phương đánh giá.
Ở khía cạnh khác, bà Phương nhận định sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý dữ liệu cá nhân sẽ tạo ra một số thách thức với chính sách. Như làm sao để tận dụng AI để phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo sự riêng tư, tự do cá nhân.
Nghị định 13 quy định quyền xóa dữ liệu cá nhân sẽ không được thực hiện trong trường hợp dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích nghiên cứu, thống kê theo quy định pháp luật. Theo Luật Thống kê, hoạt động thống kế ngoài Nhà nước phục vụ hoạt động kinh doanh, nhu cầu hợp pháp và chính đáng khác, không xâm phạm lợi ích quốc gia và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Vậy dữ liệu cá nhân mới tạo ra dùng cho mục đích thống kê để ra quyết định kinh doanh của doanh nghiệp, nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ mới mà không xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức sẽ hợp pháp?
“Doanh nghiệp trước tiên cần tuân thủ các quy định do Nhà nước đặt ra. Ngoài ra, cần tích cực áp dụng tiêu chuẩn công nghệ để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện nay, đã có tiêu chuẩn ISO về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nghiệp nên cập nhật và áp dụng tiêu chuẩn này”, bà Phương khuyến nghị.
Còn ông Nhân cho rằng, thay vì đặt ra các chuẩn mực mới cho doanh nghiệp, cần giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân - những người sử dụng công nghệ số, giúp họ hiểu ra trí tuệ nhân tạo là gì và ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ.