Người sợ AI hay AI sợ người?
(DNTO) - Viết nhạc, vẽ tranh hay thậm chí trở thành những thần tượng ảo…các ứng dụng của AI (trí tuệ nhân tạo) có thể làm những công việc ngoài sức tưởng tượng của con người. Thế nhưng, sự phát triển của một xã hội đâu chỉ dựa vào công nghệ.
Trí tuệ con người luôn là công nghệ tối tân nhất
Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, sự ra đời của máy dệt vải, máy may đã thay đổi toàn bộ ngành dệt may vốn chỉ dựa vào sức người, cũng là mở màn cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.
Thế nhưng, trải qua hàng trăm năm, những thiết kế Haute Couture – chuẩn mực của thời trang may đo cao cấp thường xuất hiện ở Chanel, Hermes,… vẫn được tạo ra bởi quá trình thiết kế thủ công đến mức hoàn hảo từ các chuyên gia lành nghề. Haute Couture vì thế vượt qua cả giá cả và giá trị so với những trang phục sản xuất hàng loạt bởi máy móc công nghiệp.
Sự xuất hiện của AI, đặc biệt là sự bùng nổ của ChatGPT những năm gần đây, khiến những lo lắng công nghệ thay thế con người lớn dần. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử phát triển của nhân loại, thì máy móc có tối tân đến đâu vẫn chỉ đi sau trí tuệ của con người.
Lý luận về lịch sử phát triển nhân loại của Karl Marx và Friedrich Engels chỉ ra rằng, chiến công của con người trong việc nâng chất lượng lao động từ hoạt động cơ bắp lên hoạt động dựa trên trí lực, không do một vị thần thánh nào giúp đỡ mà đều bắt nguồn từ nhu cầu ăn, mặc, ở của con người. Khi nhu cầu này mỗi ngày một cao hơn, con người phải tìm mọi cách chinh phục tự nhiên để tăng hiệu quả sản xuất, năng suất lao động. Đó là quá trình sáng tạo, đổi mới công cụ sản xuất.
Thực tế cho thấy, từ thời kì đồ đá với những công cụ thô sơ chỉ dùng để săn bắt, hái lượm, con người tiến tới thời kì đồ đồng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sau đó là sự ra đời của máy móc và cho tới ngày nay là thời kì công nghệ. Ngay ở cuộc cách mạng 4.0, người ta nói rằng nó rất khác so với các cuộc cách mạng trước, khi những siêu công nghệ ra đời có thể làm những việc ngoài sức tưởng tượng của con người, cũng không ngoại lệ.
Năm 1973, chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới ra đời có trọng lượng 1kg, hình dáng giống chiếc bộ đàm. 50 năm trôi qua, điện thoại di động đã vượt xa cả giấc mơ của “cha đẻ” Martin Cooper, với nhiều mẫu mã, tính năng thông minh hơn, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của con người.
Vì thế, không phải AI, robot… hay bất kì một công nghệ nào sẽ thay thế con người, mà chính con người sẽ thay thế máy móc, công nghệ đó nếu chúng không thể đáp ứng nhu cầu của họ trong tương lai.
Cảm xúc là thứ không công nghệ nào có thể thay thế
Công nghệ chưa thể thay thế hoàn toàn con người ở “phần con”, đừng nói sẽ thay thế “phần người”.
Sophia - người máy được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới, với 50 biểu cảm trên khuôn mặt và có thể trả lời trôi chảy nhiều câu hỏi, vẫn chỉ là “cỗ máy nói” chứ chưa thể chạm tới cảm xúc của khán giả như diễn xuất như Dương Tử Quỳnh, nhạc và giọng hát của Michael Jackson hay những lời thuyết trình đầy cảm hứng từ Nick Vujicic.
Trí tuệ nhân tạo có thể chỉ mất vài giờ để sáng tác một bức tranh, giá bán hàng triệu USD, nhưng cũng chỉ là sự tò mò và hứng thú nhất thời, chưa thể khiến giới sưu tập khao khát như những bức vẽ của Leonardo da Vinci hay Picasso…
Công nghệ có thể giúp trẻ em vui chơi, học hành và được chăm sóc tốt hơn, nhưng không thể thay thế sự quan tâm, tình yêu thương và dạy dỗ của người cha, người mẹ. Học sinh có thể hứng thú hoặc chán ghét với một môn học đôi khi không vì chính môn học đó, mà đến từ giáo viên.
Thậm chí, mặt trái của công nghệ còn đem đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần của con người. Công nghệ có thể làm hạn chế sự sáng tạo khi mọi thứ đều dễ dàng tìm kiếm trên Google, giờ là ChatGPT. Con người lười vận động hơn khi trong nhà tràn ngập những thiết bị thông minh giúp việc. Điện thoại, máy vi tính khiến những đứa trẻ đắm chìm trong game, các ứng dụng trực tuyến mà quên đi việc tương tác với bạn bè, bố mẹ.
Quan hệ xã hội vốn được xây dựng dựa trên trao đổi giá trị tinh thần giữa người với người. Sự tương tác đó không chỉ thúc đẩy quá trình hoàn thiện của một cá nhân, tổ chức mà còn góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - chính trị của quốc gia.
Một người sếp giỏi chuyên môn nhưng kém trong việc xây dựng quan hệ với nhân viên, đối tác thì khó để đưa tổ chức phát triển. Một doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt nhưng thông điệp quảng cáo, truyền thông không chạm đến cảm xúc khách hàng thì cũng khó để thuyết phục họ mua hàng. Một quốc gia khó phát triển nếu không duy trì các mối quan hệ xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Công nghệ giúp cho quan hệ xã hội duy trì tốt hơn nhưng không thể thay thế cho giá trị tinh thần. Như điện thoại có thể thay thế thư tay để rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, nhưng cảm xúc của hai người đầu dây mới là thứ tạo ra giá trị sau cuộc trò chuyện đó. Các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới không phải xuất phát từ công nghệ chiến đấu hiện đại, mà đến từ mâu thuẫn trong quan hệ giữa các tổ chức, quốc gia.
Do đó, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng của sự phát triển cũng là quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong hơn 90 năm qua. Và giáo dục con người cũng là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, vì con người sẽ quyết định phát triển công nghệ như thế nào, sử dụng công nghệ ra sao để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.