Đến lúc cần sợi dây pháp lý để quản lý AI
(DNTO) - AI không dừng lại ở một phần mềm công nghệ, mà đã có thể sáng tạo ra các tác phẩm, phục vụ chủ sở hữu. Khi robot được cấy AI ngày càng phổ biến, có thể thay thế nhiều công việc của con người, thì những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của nó cũng phải được cân nhắc.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đến năm 2018, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Quyết định số 2813 về việc hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 đến năm 2025. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được đề cập đầu tiên, cùng với các công nghệ khác để ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 127 về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trước khi AI bùng nổ vào cuối năm 2020, nghĩa là Việt Nam chúng ta đã liên tục có các bước đi ngay từ giai đoạn đầu. Mặc dù vậy blockchain và AI ngày nay vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể để điều chỉnh.
Ông Đào Tiến Phong, Luật sư, CEO hãng luật Investpush Legal chuyên tư vấn cho các dự án công nghệ, cho biết AI hiện có những đặc thù đáng lưu ý đặt ra cho sự hoàn thiện khung pháp lý.
Đầu tiên là vấn đề bản quyền, bởi AI có thể sáng tác trên nhiều lĩnh vực và được xác định ở cương vị như một “tác giả” nhưng hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam khi xét xét góc độ chủ thể trong quan hệ pháp luật chỉ công nhận con người, không phải máy móc hay những thứ không phải con người.
Như vậy thì ai sẽ là chủ sở hữu của những tác phẩm này? Không xác định được chủ sở hữu bản quyền tác giả thì việc bị xâm phạm, bị lợi dụng hay sản phẩm không tốt gây ra hậu quả tiêu cực sẽ xử lý ra sao?
Thứ hai là khía cạnh quyền riêng tư của con người, AI tạo ra tác phẩm, AI đề xuất ý kiến hay thực hiện nhiều hành vi dựa trên phân tích thông tin, dữ liệu và trong đó sẽ có rất nhiều thông tin cá nhân.Như hiện nay lĩnh vực quảng cáo, các nền tảng mạng xã hội đã ứng dụng AI để phân tích dữ liệu, sở thích người tiêu dùng và cả các vấn đề riêng tư, như vậy quyền sở hữu thông tin cá nhân, riêng tư của con người có thể bị xâm phạm mà khó có thể xử lý triệt để.
Thứ ba, AI nên được coi là một loại tài sản hay là động vật? Có thể xem AI là một con người có năng lực hành vi hạn chế hoặc nghiên cứu khái niệm “người điện tử” được không? AI có đơn thuần chỉ là một phần mềm tin học không khi mà nó có thể tự sáng tạo ra tác phẩm, gợi ý, đề xuất, nếu coi nó là phần mềm thì nó sẽ là một loại tài sản vô hình của chủ sở hữu nhưng tính chất của nó đã vượt qua tính chất của một loại tài sản đồ vật thông thường.
“Với khả năng ‘suy nghĩ’, ‘sáng tạo’ nhưng hạn chế về mặt thể chất, liệu AI có thể được xem như con người có năng lực hành vi hạn chế hay không? Xét về góc độ sinh học sẽ hiếm người đồng ý, nhưng xét về góc độ pháp lý thì cần có sự nghiên cứu cả quan điểm này và từ đó có khái niệm ‘người điện tử’, khái niệm này sẽ ngày càng phát triển khi robot ngày càng phổ biến và được cấy ghép trí tuệ nhân tạo”, Luật sư Phong chia sẻ trong bản tin VBA số 3.
Mở rộng hơn AI có thể được xem xét như là một pháp nhân được không? Theo Luật sư Phong, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 của Việt Nam đã đưa pháp nhân vào làm chủ thể với quan điểm đây đã là “thực thể pháp lý độc lập” và có một số tội có thể áp dụng cho pháp nhân.
Pháp nhân AI này có thể được hiểu là được lập trình ra để phục vụ cho chủ sở hữu, tương tự như chủ sở hữu lập công ty để thực hiện hoạt động kinh doanh và do đó có thể đi theo quan điểm AI là “thực thể pháp lý độc lập” như pháp nhân. Hoặc ít nhất có thể xem là “pháp nhân hạn chế”.
“Mặc dù Việt Nam không có khái niệm “pháp nhân hạn chế” nhưng nếu so sánh các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH chúng ta sẽ thấy đâu đó phảng phất tính chất “hạn chế” trong đó. Vậy thì ban hành thêm một khái niệm mới là “pháp nhân hạn chế” cũng không có gì là đáng ngại”, ông Phong nêu quan điểm.