Kính thông minh hỗ trợ những nạn nhân của chứng mù màu
(DNTO) - Bảo tàng Chau Chak Wing là nơi đầu tiên ở Úc cung cấp cho du khách bị mù màu loại kính đặc biệt giúp họ nâng cao và cải thiện tầm nhìn. Hãy cùng tìm hiểu hoạt động và tác dụng của loại kính thông minh này.
Có lẽ bảo tàng tranh không phải là nơi ưa thích của những vị khách bị chứng mù màu, nhất là các sắc màu chủ đạo làm nên cái hồn của một tác phẩm nghệ thuật như hồng hay xanh lá cây. May mắn cho các “nạn nhân” này là nay đã có một nơi cung cấp công cụ giúp họ vượt qua được khiếm khuyết về màu sắc ấy. Đó là Bảo tàng Chau Chak Wing, địa điểm đầu tiên của Úc cung cấp cho du khách “khuyết tật thị lực” loại kính màu đặc biệt, giúp họ cải thiện và nâng cao tầm nhìn.
Hàng ngày, đối với chàng trai 24 tuổi Mason Suljic, có một vài tình huống khiến anh phải vất vả vật lộn. Với Suljic, việc chọn màu bút chì hoặc quần áo luôn là một canh bạc, gây khó khăn chẳng kém gì thách thực chọn cho được thứ trái cây vừa chín tới ở siêu thị. Cứ 12 nam giới và 200 phụ nữ có một người bị khuyết tật về màu sắc, hay còn gọi là chứng thiếu thị lực màu. Riêng Suljic lại mắc chứng mù màu đỏ-xanh lá cây khiến anh khó phân biệt giữa một số màu, nghĩa là số lượng màu tổng thể ở mắt anh bị giảm. Tuy nhiên giờ đây thị lực của chàng trai này đang được cải thiện đáng kể nhờ kính thông minh.
Bên trong Bảo tàng Chau Chak Wing ở Sydney đã xuất hiện loại kính nâng cao thị lực, hứa hẹn sẽ giúp những nạn nhân mù màu nhìn được nhiều màu sắc hơn. Những gì người bệnh trông xám xỉn giờ đã biến thành màu hồng phớt rực rỡ sau tròng kính. Các chi tiết trong tranh – dáng vóc từng tấm ván sàn, độ sắc nét xung quanh một tảng đá - trước đây trông mờ mờ nay đã hiện ra rõ nét.
Chẳng hạn khi nhìn vào tác phẩm hội họa South Sea Beauty do Nicholas Chevalier vẽ năm 1881 mô tả một phụ nữ ngả mình trên thuyền, người xem bị mù màu sẽ thấy nước và chiếc vòng cổ hoàn toàn khác nhau khi đeo chiếc kính đặc biệt. Nếu so sánh kỹ cảnh quan giữa có và không có kính, nước trong tranh sẽ trông rất khác, nó có màu lạnh hơn và sắc độ rực rỡ hơn. Cây cối chung quanh trông cũng nổi bật so với cảnh nhìn khi không có kính, bởi lúc ấy trông như tất cả đều hòa quyện vào nhau.
Thông thường, những bức tranh như thế này xuất hiện trong con mắt nạn nhân mù màu thường có dải sắc mờ hơn làm giảm độ chi tiết trên tranh. Tuy nhiên khi đeo kính vào, màu trở nên rõ nét và nổi bật, các vật thể bối cảnh cũng trông chi tiết hơn. Đối với một người thường chỉ nhìn thấy 1% dải màu bình thường, đây thực là một trải nghiệm mới lạ thú vị.
Những nạn nhân từng bị mù màu như Suljic ban đầu khi đeo thứ kính ấy thường có cảm giác khó chịu về sự thay đổi, bởi họ đã quen với việc nhìn màu sắc “lệch lạc” theo một cách nào đó. Ban đầu họ thường bán tín bán nghi về thị lực của mình do đã quá quen với những sắc màu sai lạc từng quen thuộc bấy lâu nay. Từ tháng 4 vừa qua, bảo tàng Chau Chak Wing đã trở thành phòng trưng bày đầu tiên ở Úc giới thiệu và cung cấp kính hiệu chỉnh màu sắc cho những vị khách như Suljic. Chúng cho phép nạn nhâncủa chứng mù màu có thể trải nghiệm bảo tàng, thưởng lãm các cuộc triển lãm mình ưa thích.
Kính có tên Enchroma này do một công ty Hoa Kỳ chế tạo, là một phần của làn sóng đổi mới công nghệ nhằm cải thiện thị lực cho người bị mù màu. Những năm gần đây thế giới thị lực đã chứng kiến nhiều tiến bộ nhỏ nhưng đáng kể. Chẳng hạn như Apple cho phép người dùng điều hướng iPhone cá nhân bằng những bộ lọc màu hiệu chỉnh, hoặc các trò chơi điện tử như Grand Theft Auto giới thiệu chế độ chơi riêng cho bệnh nhân mù màu.
Tuy nhiên, không phải nạn nhân nào cũng được hưởng lợi khi đeo kính Enchroma, bởi sản phẩm của công ty tuy có hiệu quả với 8/10 người mắc chứng mù màu xanh lục đỏ nhưng hoàn toàn không hiệu quả với những ai mắc chứng mù màu xanh lam - vàng vốn ít phổ biến hơn, hoặc với nạn nhân mù màu toàn bộ. Giá cả có thể còn là một rào cản khác. Kính được bán lẻ với giá từ 299 đến 514 USD một chiếc, tùy theo loại dùng đeo trong nhà hay ngoài trời.
Với những người như Suljic vẫn còn chút lấn cấn khác. Ngay cả được hỗ trợ với công nghệ như thế, anh vẫn không thể tham gia lực lượng cảnh sát NSW hoặc Victoria, nghề nghiệp anh đã kỳ vọng theo đuổi từ lâu, bởi anh vẫn đang là một nạn nhân mù màu. Tuy nhiên, vẫn có chút an ủi là, khi đi lang thang trong bảo tàng, chiếc kính đã tạo ra một sự khác biệt khá rõ. Với anh, nhìn thấy các màu sắc khác nhau là một sự thay đổi lớn, thế giới nhỏ trông đẹp biết bao!