Sử dụng AI để nghiên cứu thành công sáng tạo nghệ thuật
(DNTO) - Các nhà khoa học đã dựa vào trí thông minh nhân tạo để xác định các điều kiện chính làm nên phút xuất thần trong sáng tạo của các nghệ sĩ. Công nghệ AI cho thấy, những thành công nghệ thuật ấy thường được ngấm ngầm phôi thai từ một giai đoạn thử nghiệm
Từ trước đến nay, các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ để tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế nhưng, nhờ đến trí tuệ nhân tạo để nắm bắt từ đâu những nhà sáng tạo nghệ thuật như nữ đạo diễn kiêm nhà biên kịch Hungary, Márta Mészáros, hay họa sĩ trừu tượng người Mỹ, Jackson Pollock thành công đến thế, thì bây giờ họ mới bắt tay vào làm.
Tiết lộ của kết quả nghiên cứu cho thấy, “trái ngọt” đến với các nghệ sĩ thường được bắt đầu bằng giai đoạn thử nghiệm, sau đó là tập trung tiếp cận một cách cụ thể để phát triển rực rỡ sự nghiệp từ chính tia lửa chiến thắng vừa lóe sáng. Hào quang Hollywood của đạo diễn loạt phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, Peter Jackson, có lẽ là một ví dụ điển hình.
Bộ ba xuất phẩm “The Lord of the Rings” cực kỳ thành công dù chúng đến sau một loạt các sáng tạo điện ảnh nhiều thể loại khác của ông, như phim kinh dị hài hước khoa học viễn tưởng Bad Taste, phim rối Meet the Feebles và serie truyền hình Heavenly Creatures.
Công trình dùng AI nghiên cứu phút xuất thần tài năng của các nghệ sĩ được xây dựng dựa trên một nghiên cứu trước đây cho rằng, nhiều nhà sáng tạo đột nhiên thấy mình vụt thăng hoa ở một thời điểm nào đó trong sự nghiệp, mặc dù cột mốc ghi dấu ấn này dường như xảy ra rất ngẫu nhiên. Theo giáo sư Dashun Wang, người chủ trì nghiên cứu, khoảng 90% mọi người đều có ít nhất một lần lóe sáng, điều quan trọng là phải hiểu tại sao điểm rơi phong độ tài năng ấy lại xuất hiện.
Wang nhận định, mỗi cá nhân có thể tạo điều kiện cho chính mình bứt phá bằng cách bắt đầu phải gầy dựng được một môi trường giúp họ phát huy hết tiềm năng. Vậy liệu có một mô hình chung nào đằng sau “vụ nổ Big Bang sáng tạo” ấy? Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã xem xét các chỉ số thành công, từ giá trị đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, vị thế trong danh sách xếp hạng IMDb của gia tài phim đến trích dẫn của các bài báo phê bình.
Con số các nghệ sĩ thế giới được đưa vào diện khảo sát hiện tượng này là 2.128 họa sĩ, trong đó bao gồm những danh họa như Pollock hay Frida Kahlo, 4.337 đạo diễn như Mészáros hoặc Jackson và 20.040 nhà khoa học với những tên tuổi đoạt giải Nobel như John B Fenn và Frances Arnold. Mức độ đa dạng công việc của các tài năng này ở các cột mốc khác nhau trong sự nghiệp cũng được phân tích kỹ lưỡng.
Sau đó, một hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng để đánh giá, xác định những phong cách riêng bằng từng đặc điểm khác nhau như nét vẽ, hình dạng và đối tượng trong một tác phẩm cho mảng nghệ thuật. Ở trường hợp phim ảnh, AI giúp phân loại tác phẩm của đạo diễn dựa trên thông tin cốt truyện và dàn diễn viên. Còn với lĩnh vực khoa học, hệ thống sẽ tinh lọc các chủ đề nghiên cứu khác nhau dựa trên kho dữ liệu báo chí được trích dẫn trong các ấn phẩm của nhà nghiên cứu.
Kế đến là xét tính đa dạng. Sự phong phú trước và trong thời kỳ rực sáng sẽ được so sánh với sự phong phú ở các điểm ngẫu nhiên trong sự nghiệp. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, đối với cả ba loại nghề kể trên, công việc của giới tài năng có xu hướng đa dạng hơn ngay trước khi đạt cao trào sáng tạo so với các thời điểm được chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một khi thành công đã bắt đầu, mỗi người họ lại chuyển sang hướng tiếp cận hẹp hẳn, tập trung đáng kể công sức để khai thác vào dấu ấn thành công vừa lóe ra bằng những kết hợp mới, chứ không dàn trải như trước.
Qua các công đoạn phân tích của trí thông minh nhân tạo, Pamela Burnard, giáo sư nghệ thuật tại Đại học Cambridge, đã đúc kết về tiến trình các nghệ sĩ phát triển để lưu danh sự nghiệp như sau. Đó là họ bắt đầu thử cái gì đó mới, rồi tiếp tục tối ưu hóa những điểm nổi bật để cho ra đời hàng loạt tác phẩm lưu danh.