Không để xuất khẩu ‘ngủ đông’
(DNTO) - Nhu cầu của các bạn hàng tiếp tục sụt giảm đã đặt ra thách thức cho xuất khẩu Việt Nam trong ngắn hạn. Nhưng đây là giai đoạn để ngành xuất khẩu Việt Nam nhìn lại mình để có sự trở lại tốt hơn khi kinh tế thế giới hồi phục.
Con tàu xuất khẩu đang chậm lại
Trong 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu xuất khẩu ước đạt 342,21 tỷ USD tăng 13,4%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (theo Bộ Công thương).
Tuy vậy, xuất khẩu Việt Nam đã chứng kiến sự giảm tốc trong vài tháng gần đây, chủ yếu đến từ những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta như dệt may, da giày, gỗ, máy móc sụt giảm. Báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á của Ngân hàng HSBC công bố hôm 22/12, nhận định trong năm tới, tác động của tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến xuất khẩu Việt Nam. Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động khi thương mại toàn cầu chậm lại, hay nói cách khác, giai đoạn “chững lại” đã tới.
Hiện Mỹ và EU chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ phía Mỹ, như máy móc chiếm hơn 50%, sản phẩm gỗ chiếm 60% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam. Khi hoạt động thị trường tài sản chậm lại ở các nước phương Tây mang đến rủi ro sụt giảm cho xuất khẩu của Việt Nam.
Nhưng theo đánh giá của HSBC, Việt Nam vẫn hưởng lợi nhờ dư âm của việc mở cửa trở lại. Ngoài ra, những tập đoàn công nghệ lớn như Samsung và LG tiếp tục đầu tư vào Việt Nam cũng cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của thị trường này. HSBC nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2022 lên 8,1%, từ mức 7,6% trong dự báo cũ. Tuy nhiên, năm 2023, tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5,8% (dự báo cũ là 6%).
Chuyển từ nhanh sang bền vững
Ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, xuất nhập khẩu là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nước ta, trong đó xuất khẩu là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Việt Nam có thể xem là một trong những cường quốc xuất khẩu thế giới, xếp hạng 24/240 nền kinh tế. Đây là một trong những bước nhảy vọt trong những năm vừa qua.
Theo ông Phương, những mặt được của xuất khẩu Việt Nam rất nhiều. Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2021 vẫn đạt con số 336 tỷ USD, xếp thứ 24 trên thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm đại dịch vẫn trên 2 con số. Nếu tính trong suốt 20 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trên dưới 20%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, trước chủ yếu xuất nông lâm thủy sản và dầu thô, nguyên liệu khoáng sản, giờ 86% hàng công nghiệp chế biến chế tạo. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới ở nhiều mặt hàng như gạo, cà phê chỉ sau Brazil; dệt may và da giày đứng thứ 5, thủy sản và đồ gỗ đều thứ 4-5 thế giới. Xuất khẩu bình quân đầu người tăng từ 10 USD giai đoạn bắt đầu cải cách, lên tới 30.000 USD hiện nay.
“Hiện chúng ta kiểm soát tương đối tốt việc nhập khẩu. Cơ cấu nhập khẩu hơn 90% là nguyên liệu, vật liệu sản xuất, chỉ có khoảng 10% là hàng tiêu dùng, như vậy nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất. Vì nhập khẩu được kiểm soát tốt và xuất khẩu được đẩy mạnh nên từ năm 2012 đến nay Việt Nam gần như liên tục xuất siêu, trừ 2015, khác hoàn toàn bức tranh nhập siêu kinh niêm từ 2011 trở về trước”, ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, xuất khẩu của Việt Nam chưa bền vững, tức tăng trưởng rất mạnh về số lượng, nhưng về chất còn yếu. Đầu tiên là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam rất cao, nhưng giá trị gia tăng rất thấp, thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia hay Thái Lan. Đó là lý do kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng giá trị thu về rất ít.
“Vì sao lại như vậy, vì cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam dịch chuyển mạnh mẽ từ khoáng sản, nông lâm thủy sản sang hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 86% xuất khẩu Việt Nam trong năm 2021 nhưng hàng công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu gia công, lắp ráp; ví dụ như điện thoại di động, máy tính, linh kiện…, cái chúng ta được hưởng chủ yếu là công lao động, cho thuê đất, thuế… những cái này giá trị gia tăng rất thấp; còn nông lâm thủy sản chủ yếu xuất thô hoặc chế biến nông. Cà phê chủ yếu bán nguyên liệu thô, hoặc nếu có chế biến thì cũng khó để bán vì chưa có thương hiệu”, ông Phương phân tích.
Điểm lớn thứ 2 mà xuất khẩu Việt Nam chưa bền vững, theo ông Phương, là Việt Nam còn phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện nay, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 3/4 xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù tăng trưởng của doanh nghiệp trong nước cũng cao nhưng tăng trưởng của FDI cũng cao hơn nhiều.
Ví dụ trong lĩnh vực dệt may da giày Việt Nam có lợi thế rất lớn về lao động, nhưng ngay cả vậy thì doanh nghiệp FDI vẫn chiếm 70% xuất khẩu của ngành, chưa nói đến lĩnh vực như điện thoại di động, máy tính chiếm gần 100%. Vì vậy những thành tích xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp FDI. Ngay cả xuất siêu cũng do doanh nghiệp FDI xuất siêu, các doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu rất lớn. Đây là điểm về chất lượng chưa đạt như mong muốn.
“Quan điểm của chúng ta vẫn coi doanh nghiệp FDI là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, nhưng ngay cả như thế, doanh nghiệp FDI cũng có những mục tiêu riêng của họ, cũng có những lợi ích riêng của họ, lợi nhuận của họ chuyển về nước của họ. Mặc dù họ cũng đóng góp rất lớn cho xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam nhưng thực sự cái mà chúng ta được hưởng rất ít”, ông Phương nói và cho biết cần chính sách đột phá để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tăng tỉ lệ nội địa hóa cho hàng hóa nước ta.
Sức mạnh doanh nghiệp rất quan trọng
Bộ Công thương cho biết, sắp tới, doanh nghiệp xuất khẩu của ta sẽ còn gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường, khi phía Hoa Kỳ gia tăng điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; phía EU đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh..., phía Trung Quốc cạnh tranh gay gắt với hàng Việt bằng giá cả…Trong khi đó, ở trong nước, đa phần doanh nghiệp xuất khẩu đang “đói” vốn, lại phải đối diện với tình trạng lãi suất tăng, giá nguyên liệu tăng.
Vì vậy, giải pháp lâu dài mà Bộ Công thương chú trọng là hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi sản xuất để vượt qua các hàng rào kỹ thuật mà các thị trường nhập khẩu đang dựng lên. Đặc biệt, Bộ này cũng tích cực giúp doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các thủ tục xuất nhập khẩu.
“Chúng ta cần tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này”, Bộ Công thương cho biết.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, thời gian tới, cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu, cần đẩy mạnh việc nhập khẩu, giúp doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao hơn, đặc biệt là nhập khẩu các nguyên liệu vật tư, máy móc thiết bị và nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài cũng đang được coi trọng là giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng xuất khẩu.