Không còn ‘vùng dễ’ với mì ăn liền Việt Nam
(DNTO) - Từ châu Âu cho đến châu Á (Đài Loan) và giờ là Đông Nam Á (Campuchia), đang có những phản ứng khắt khe hơn với sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam. Nguy cơ mất uy tín trên thị trường đang hiện hữu nếu doanh nghiệp chậm hòa mình vào cuộc chơi chung.
Chuỗi phản ứng liên tiếp
Chỉ trong 1 năm qua, liên tiếp nhiều sản phẩm mì ăn liền, mì gạo, bún phở khô… Việt Nam bị thị trường nhập khẩu ‘tuýt còi’ do chứa dư lượng chất bảo quản thực phẩm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định.
Vụ việc đầu tiên là ngày 20/8/2021, một số lô mì tôm chua cay Hảo Hảo và phở Good của Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Israel do có chứa chất ethylene oxide. Sau đó 1 tuần, sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương cũng bị phía EU thu hồi do có chứa hoạt chất này.
Tiếp đó một số thị trường như Đức, Ba Lan, Pháp, Malta cũng liên tiếp gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại các lô hàng sản phẩm mì gói, bún phở khô… nhập khẩu từ Việt Nam với lý do tương tự.
Đó là châu Âu, một thị trường mệnh danh là khó tính khi xếp chất EO vào nhóm có khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và độc tính cấp. Vì vậy, dư lượng EO trong sản phẩm đóng gói Việt Nam nếu vượt quá quy định cho phép nhanh chóng bị thu hồi.
Thế nhưng, mới đây, ngay cả thị trường châu Á cũng đang có những phản ứng khắt khe hơn với sản phẩm mì gói của Việt Nam. Phía Đài Loan vừa thông tin về việc thu hồi hơn 1,4 tấn mì ăn liền Omachi nhập khẩu từ Việt Nam vì hoạt chất EO.
Ông Arjen Roem, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong cuộc hội thảo gần đây cũng bày tỏ lo ngại về việc hàng Việt liên tiếp bị EU “tuýt còi” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế và uy tín của Việt Nam.
Thực tế, lo ngại trên đang đúng với thực tế vì sau những hành động của phía EU với mì Việt đã khiến Campuchia để mắt hơn tới việc này. Cụ thể, Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam nếu có chứa chất EO, đồng thời các sản phẩm mì xuất khẩu vào nước này sẽ phải có giấy chứng nhận không chứa chất EO.
Đừng “tự hủy”
Những động thái liên tiếp từ các thị trường nhập khẩu như một lời cảnh báo cho mì, bún phở xuất khẩu nói riêng và sản phẩm xuất khẩu nói chung rằng, đã không còn “vùng dễ” cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Không chỉ là mì gói, bún phở khô… đang gây nên sự lo ngại với bạn hàng, mà xa hơn là lo ngại về cái nhìn không mấy thiện cảm dành cho chất lượng hàng Việt Nam nói chung.
Vì “một sự bất tín, vạn sự bất tin”, một mặt hàng khi đã vi phạm thì sau này sẽ bị tăng tần suất kiểm tra. Và đối với bất kì một loại hàng hóa nào, một khi đã mất niềm tin của khách hàng, hành trình làm lại sẽ rất gian nan, thậm chí không còn đường quay lại.
Bởi yêu cầu của người tiêu dùng về sức khỏe, thẩm mỹ… sẽ ngày càng được nâng lên buộc các nhà nhập khẩu, cơ quan quản lý tại các thị trường phải thắt chặt hơn việc kiểm soát kiểm định sản phẩm nhập khẩu.
Do từ trước đến nay, tư duy của các doanh nghiệp Việt, thậm chí cả một số cơ quan xúc tiến thương mại, xuất khẩu luôn là: “Nếu không xuất khẩu được sang các thị trường lớn thì chuyển sang các thị trường nhỏ, tiêu chuẩn thông thoáng hơn”, với lý do như “chưa nắm được tiêu chuẩn thị trường”, “chưa có nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm”…
Thế nên, những phản ứng của bạn hàng trong thời gian qua đã cho thấy hàng Việt cần thay đổi cách tiếp cận thị trường. Nên đặt ra mục tiêu dài hạn là tiếp cận các thị trường lớn, vì một khi đã vào được các thị trường khó tính, những thị trường nhỏ sẽ tiếp cận dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, từ nhiều vụ việc hàng Việt Nam gặp rắc rối ở nước ngoài thời gian qua cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt còn thiếu tính chủ động khi dự phòng rủi ro hay phối hợp để giải quyết sự cố.
Đơn cử như hiện nay, các thông tin về thị trường xuất khẩu, các quy định về kĩ thuật với hàng nhập khẩu hay những thay đổi chính sách từ các thị trường luôn được cập nhật khá đầy đủ và kịp thời trên các website, trang thông tin truyền thông tại nước sở tại. Doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường nào cũng dễ dàng tìm hiểu thông tin trên các nguồn đó.
Không chỉ vậy, hiện nay, mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài liên tiếp mở rộng với 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ trải dài khắp thế giới, 1 phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại tại Mỹ và Trung Quốc. Các thương vụ hiện nay cũng đang hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt, cập nhật thông tin về thị trường, và luôn trong tâm thế “mong muốn doanh nghiệp tương tác”. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động trong việc kết nối, tận dụng sự hỗ trợ của các thương vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu của mình.