Năm 2022, thời của 'trùm' thực phẩm và năng lượng
(DNTO) - Các ông trùm thực phẩm và năng lượng kiếm được 1 tỷ USD cứ sau 2 ngày trong bối cảnh lạm phát tăng vọt do đại dịch và cuộc chiến ở Ukraine. Vây quanh bức tranh sáng - tối ấy là con số hàng triệu người “bỏ bữa, tắt bếp”.
Lạm phát tiêu dùng của châu Âu và Mỹ đang dao động quanh mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua. Riêng hai mảng thực phẩm và năng lượng, giá tăng vọt đang ảnh hưởng rộng hơn, tác động xấu đến người tiêu dùng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh xám màu ấy trớ trêu là tình hình lại đẩy số tài sản của các tỷ phú trong các lĩnh vực này lên cao, đến khoảng 453 tỷ USD chỉ trong hai năm, tức chừng 1 tỷ USD cứ sau hai ngày, đó là thống kê đúc kết của Oxfam.
Hầu bao của một số dân nhà giàu phồng to thêm là do các công ty thực phẩm và năng lượng đạt lợi nhuận cao kỷ lục giữa tình hình đại dịch, và ngay trong bối cảnh của một bức tranh đầy trái khoáyy. Một bên là tiền lương hầu như không nhúc nhích suốt thời gian dài, một bên là dân lao động phải vật lộn với mức giá tiêu dùng và sinh hoạt cao nhất trong hàng thập kỷ qua.
Theo tính toàn của một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh, 5 công ty năng lượng lớn nhất bao gốm BP, Shell, TotalEnergies, Exxon và Chevron đang cùng nhau tạo ra lợi nhuận 2.600 USD mỗi giây, dẫn đến sự góp mặt vào giới giàu có của 62 tỷ phú mới thuộc lĩnh vực thực phẩm. Nhờ thế danh sách dân siêu giàu của Forbes trong các mảng thực phẩm, kinh doanh nông sản, dầu khí và than đá đã vượt qua con số 310 cái tên, đồng thời tổng tài sản của họ đã đạt đến 1,5 nghìn tỷ USD, tăng thêm một nửa từ hơn 1 nghìn tỷ USD hồi tháng 3 năm 2020.
Giá những mặt hàng kể trên đã tăng vọt kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020 do sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Hệ lụy còn tiếp tục tiến xa hơn khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Bức tranh càng tối màu hơn khi hai quốc gia này đều là những nhà sản xuất năng lượng và thực phẩm thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến tháng 4 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của riêng Hoa Kỳ đã tăng 8,3%/năm.
Cho dù tốc độ lạm phát tương đối có chậm lại đi nữa, nó vẫn bị xem là ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, giữa bối cảnh trái chiều là tài sản của các tỷ phú thuộc lĩnh vực năng lượng, thực phẩm và dược phẩm lại tăng vọt. Điển hình, tuy chỉ làm chủ ba công ty, gia đình Cargill hiện đang kiểm soát 70% thị trường nông sản toàn cầu. Nhóm tên tuổi kinh doanh buôn bán thực phẩm đang thống trị thế giới khác là Archer Daniels Midland, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus, mà Oxfam đã chơi chữ khi gọi họ là bộ tứ "ABCD", viết tắt tên của mỗi doanh nghiệp.
Theo đánh giá xếp hạng của Forbes, Cargill là công ty tư nhân lớn nhất ở Mỹ. Vào năm 2021, tên tuổi kinh doanh này đã ghi nhận lợi nhuận 5 tỷ đô la, đạt mức cao nhất trong lịch sử 156 năm hình thành của họ, nhưng đó mới chỉ là số liệu tính đến năm 2020. Cũng trong báo cáo của Oxfam, hệ tộc nhà Cargill hiện có đến 12 tỷ phú, trong số đó vừa có 4 cái tên mới nổi lên từ đại dịch. Có lẽ do thấy những tình cảnh phất lên điển hình này mà Oxfam buông lời cay đắng khi đánh giá, giới siêu giàu thậm chí còn giàu hơn, giữa cảnh hàng triệu người khác đang bỏ bữa, tắt máy sưởi, thở dài trước những con số ghi trong hóa đơn và lầm rầm tự hỏi phải làm gì tiếp để tồn tại!
Số tỷ phú giàu có và quyền lực gia tăng trong mùa dịch là hình ảnh sốc đối nghịch với nỗi đau đớn và khốn khổ của bệnh nhân và dân thường. Hàng tỷ người đã không tiếp cận được vaccine vì bị nhóm nước giàu từ chối phân phối. Giới kinh doanh thực phẩm và năng lượng đã chia nhau số tiền thưởng và cổ tức khổng lồ trong khi lại thắt hầu bao, trả thuế ít nhất có thể. Giữa bối cảnh ấy, lời hô hào kêu gọi đánh thuế một cách đặc biệt lợi nhuận tài sản của các trùm trong mùa dịch để có quỹ hỗ trợ những người đang phải vật lộn với lạm phát năng lượng và lương thực xem chừng vô vọng, chỉ như “tiếng kêu trong sa mạc”.