Dịch càng hoành hành, bất bình đẳng giàu nghèo càng cách biệt
(DNTO) - Chính quyền các nước Âu Mỹ không chỉ đối phó với đại dịch Covid-19 mà còn phải giải bài toán cách biệt giàu nghèo trong đất nước, vốn đang ngày càng bị đào sâu theo cấp độ hoành hành của virus corona mới.
Hiện tượng tréo ngoe đang xảy ra giữa mùa dịch, một mặt virus corona mới kéo chỉ số GDP của các quốc gia trên thế giới đi xuống, mặt khác chính nó lại khiến những người giàu càng giàu hơn. Một báo cáo về tích sản toàn cầu thời Covid-19 đã vẽ lên tình cảnh oái oăm này.
Lát cắt nhỏ về thú chơi siêu du thuyền
Bản điều tra bắt đầu bằng phân tích sở thích, lối sống của giới siêu giàu ảnh hưởng như thế nào đến những người không khá giả qua thú chơi du thuyền của tầng lớp thừa tiền.
Các chủ sở hữu tỷ phú thường chi trên 200 triệu bảng Anh cho những cung điện nổi ở đại dương với ekip nhân viên hưởng lương bèo bọt phục vụ 24 giờ/ngày. Ba thanh niên làm việc đã chết trên siêu du thuyền và gia đình họ không nhận được khoản bồi thường nào, thậm chí một lời xin lỗi cũng không có.
Đây là những ca phức tạp mà nhóm thấp cổ bé miệng luôn thiệt thòi, vì các du thuyền thường hoạt động trong các khu vực tài phán quốc tế, do đó, các nhân viên điều tra không được phép triệu tập nhân chứng nên cực kỳ khó xác định bằng cớ.
Dịch bệnh trở thành yếu tố chính khiến hố ngăn cách càng sâu
Khu vực Tower Hamlets, London là một trong những địa danh tập trung của cải nhiều nhất nước Anh, đồng thời cũng là một trong những nơi có tỷ lệ trẻ em nghèo cao cực kỳ. Những phận đời khó khăn chìm trong bóng đen của những tòa nhà chọc trời của các ngân hàng lớn nhất thế giới, nơi chủ tịch nhận lương hàng chục triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, người bình dân đang bị nhiều dự án đe dọa di dời ra khỏi thành phố, đẩy họ về vùng nông thôn. Từ đó, mối tương phản bất bình đẳng lại càng nổi cộm.
Hai năm qua, nhiều người mất mạng, thất nghiệp, hố cách biệt này cứ tiếp tục sâu. Những người giàu nhất đã được hưởng lợi về mặt tài chính. Bởi thực tế, mùa dịch đang là những năm “hanh thông” đối với giới tỷ phú như nhóm những Jeff Bezos của Amazon và Elon Musk của Tesla.
Một báo cáo gần đây của UBS cho thấy, tài sản của giới siêu giàu gần như tăng gấp đôi trong ba năm qua. Các công ty công nghệ vẫn "phom phom" thành công rực rỡ trên thị trường chứng khoán khi khách hàng “hẹp túi” của chúng bị cấm cung ở nhà, phải cắn răng chi tiền sử dụng Zoom, Google, Amazon...
Doanh nghiệp nhỏ càng lúc càng bị đẩy đến mức... tàng hình
Giữa đại dịch, Mỹ và Anh là một trong những quốc gia tồi tệ nhất trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi nước Đức lại có sẵn cơ sở hạ tầng, cơ chế và văn hóa để hỗ trợ mọi giới liên quan đến kinh doanh. Có cảm giác như đây là thời một công ty càng lớn càng có nhiều khả năng tồn tại.
Virus corona mới đang làm nổi bật sự phân chia của cải trên khắp thế giới. Tham vọng chính của hầu hết các chính phủ lúc này là cố gắng giảm nợ quốc gia vốn đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1960, nên khả năng hỗ trợ cho người dân và các công ty khiêm tốn đành bị xem là thứ yếu.
Đại dịch khiến bất động sản bùng nổ gây sốc
Tuy diễn ra từ từ nhưng tình trạng ấy rất rõ nét khi dân giàu tìm cách né đại dịch mà vẫn đoàn tụ được đại gia đình của họ. Những thay đổi về thuế trước bạ đã khuyến khích rất nhiều đại phú gia di chuyển ra vùng ngoại ô tìm mua những ngôi nhà có vườn và cách xa trung tâm thành phố.
Phong cách bất động sản Downton Abbey hình thành với mỗi biệt trang có giá lên tới 25 triệu bảng Anh ngày càng được nhóm khách hàng có tiền là những công dân Nga, Trung Quốc, Viễn Đông và Mỹ săn tìm.
Chênh lệch giàu nghèo thay đổi theo địa lý
Có điều ngạc nhiên, dù là quốc gia sở hữu nhiều tỷ phú nhất thế giới nhưng Hoa Kỳ lại có một số lượng lớn những người gặp khó khăn, thậm chí tính cả tầng lớp trung lưu trước đây. Xem ra lúc này, họ đều có lúc phải xếp hàng dài trước các “ngân hàng thực phẩm”.
Mức lương trung bình của các giám đốc điều hành đã vượt xa thu nhập của người lao động bình thường. Giới CEO này có nhiều khoản bỏ túi riêng lẻ trong khi nhân viên của họ chắc chắn là không. Riêng ở Trung Quốc, khi so với quá khứ “công sản” trong lịch sử, khoảng cách giàu nghèo còn hằn nét rõ rệt hơn.