Bánh trung thu mini giá 4.900 đồng/chiếc tràn ngập chợ mạng
(DNTO) - Thị trường bánh trung thu đã bước vào giai đoạn nhộn nhịp. Ngoài các loại bánh trung thu của các thương hiệu, với giá bán tăng từ 2%-20% do nguồn nguyên liệu tăng, trên các trang thương mại điện tử, các trang facebook rầm rộ quảng cáo loại bánh trung thu mini, xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc.
Rất rẻ
Theo ghi nhận, loại bánh trung thu mini này giá bán lẻ 4.900-5.000 đồng; combo 20-25 cái giá từ 70.000-145.00 đồng tùy loại, tùy nơi bán.
Tại sàn thương mại điện tử Shopee, một gian hàng tại Hà Nội bán bánh nướng mini 1kg/25 chiếc với giá 85.000 đồng mix 15-20 vị. Bánh được giới thiệu làm từ bột mì, sữa, trứng, ruốc và hương liệu. Cơ sở sản xuất là Công ty TNHH thực phẩm Nhiên Lợi, địa chỉ sản xuất Khu phát triển Đông Nguyên, thành phố Long Hải, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Hà Sơn, địa chỉ Đường Điện Biên, tổ 13, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Một gian hàng khác ở TP.HCM giới thiệu bánh trung thu mini Đài Loan hương hoa quả với giá 4.950 – 5.000 đồng/chiếc. Bánh có nhiều vị được mix với nhau như đậu xanh, khoai tím, hạt dẻ, trứng muối, đậu đỏ, matcha đậu xanh, đậu xanh trứng muối...
“Năm nay hàng về thêm nhiều rồi ạ, bánh trung thu mini Đài loan về chất lượng thì khỏi phải bàn rồi ạ. Bánh này bày hàng, thắp hương rất đẹp. Trẻ em ăn thoải mái nha các chế ơi”, gian hàng này giới thiệu.
Tại sàn thương mại điện tử Lazada, một gian hàng giới thiệu combo 10 bánh trung thu mini mix vị “siêu ngon, siêu hót” với giá 40.000 đồng, sau khi giảm giá 20%. Nguồn gốc của bánh tại gian hàng này không thấy đề cập.
Trên các trang mạng xã hội như facebook, việc kinh doanh, giới thiệu loại bánh trung thu mini nhập khẩu này sôi động hơn. Người bán rao hàng, người mua hỏi giá cả, thông tin về chủng loại bánh. Các đầu mối bán bánh số lượng lớn với giá sỉ chào mời nhiệt tình.
Theo lời giới thiệu của những người bán, bánh trung thu mini là sản phẩm nhập từ Đài Loan, Trung Quốc; bánh đang được người tiêu dùng săn lùng vì lớp vỏ bánh mềm và thơm ngon, kèm theo nhân bên trong dày, ngọt ngọt thanh thanh, không ngọt đậm như bánh trung thu sản xuất tại Việt Nam. Kể từ ngày sản xuất, loại bánh này có hạn sử dụng từ 3 tới 6 tháng.
Đặc điểm chung dễ nhận thấy của những chiếc bánh này là đều có màu sắc sặc sỡ, đa dạng kiểu dáng và bao bì in chữ Trung Quốc.
Theo các chủ “gian hàng” trên sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội facebook giới thiệu bánh mini là hàng công ty, được nhập khẩu bởi công ty tại Việt Nam; bánh chất lượng, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi người viết bài hỏi giấy tờ chứng minh chất lượng thì người bán không thể cung cấp.
Làm sao có thể có giá bán 75.000 đồng/kg bánh?
Chị Linh, chủ một đơn vị sản xuất bánh trung thu tại TP.HCM cho biết, 1kg bánh trung thu bán dưới giá 100.000 đồng là không tưởng. Chị Linh cũng thắc mắc tại sao người ta lại có thể bán với giá rẻ như vậy.
“Trong một đơn vị bánh sẽ có các thành phần như bột mì, hạt dưa, lạp xưởng... giá thành nguyên liệu chưa chế biến đã là 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg, thì làm sao ra thành phẩm giá dưới 100.000 đồng được, ấy là chưa kể nhân công, bao bì đóng gói. Ví dụ nhân cơ bản nhất của bánh trung thu là đậu xanh thì giá nguyên liệu đậu xanh cà vỏ đã gần 50.000 đồng/kg, nhân công, điện, nước, đóng gói, bao bì, hư hao nguyên liệu...”, chị Linh chia sẻ thêm.
Trả lời câu hỏi của Tạp chí Doanh Nhân Trẻ về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho biết, đơn vị luôn tuân thủ quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động của mình, đặc biệt là quy định về các trách nhiệm, nghĩa vụ của sàn giao dịch thương mại điện tử, Shopee sẽ có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và loại bỏ khỏi website những thông tin, hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ về những thông tin này.
Đối với các mặt hàng thực phẩm, bao gồm các sản phẩm bánh trung thu, người bán cần tuân thủ các quy định về việc công bố thông tin an toàn vệ sinh thực phẩm theo như quy định của Cục An toàn thực phẩm. Cụ thể gồm có: giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận đại lý/Hợp đồng mua bán/Hóa đơn mua hàng trong nước.
Theo thông tin từ Cục quản lý thị trường TP.HCM, ngày 2/8/2022, Cục đã có Văn bản số 1708/QLTT-NVTH về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2022.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường TP.HCM yêu cầu các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, kiếm soát trước và sau tết trung thu 2022. Giai đoạn trước Tết Trung thu, tập trung kiểm tra nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng;
Đồng thời, tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường; kịp thời triển khai hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong quá trình kiểm tra cần kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm và công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã từng đưa ra cảnh báo: nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đa phần, sản phẩm này được rao bán, chạy quảng cáo thường xuyên trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư.
Nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, cơ quan quản lý của Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản.
Trong đó, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Mọi người chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, khách hàng không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, ngày 6/7/2022, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra và tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. 5.100 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài này đang kinh doanh tại cửa hàng của hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn, Xóm Chùa Tổng, xã La Phù, Huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Bà Phan Thị Nhàn chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định.
Ngày 8/7, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục quản lý thị trường Tây Ninh kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Út Yến (tại 3/66, khu phố Nội ô B, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu). Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 82 cái bánh trung thu và 410 cái bánh bông lan các loại không nhãn hiệu, không có địa chỉ nơi sản xuất và chủ hộ kinh doanh là ông Phạm Văn Thanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định cho đoàn kiểm tra.