Khám phá sao Kim, sứ mệnh mới của khoa học
(DNTO) - Khoa học không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của sao Kim (Venus), nên một sứ mệnh mới đang được thực hiện. Đó là tìm hiểu cặn kẽ về khí hậu và cơ hội sống trên hành tinh láng giềng gần nhất của Trái đất này.
Với ngưỡng nhiệt độ ở bề mặt đủ nóng để nấu chảy chì, sao Kim đã bị các cơ quan vũ trụ bỏ mặc trong cả một thập kỷ. Giờ đây khoa học của con người lại phải tìm hiểu thêm về khí hậu và cơ hội sống trên hành tinh láng giềng của Trái đất mang tên vị nữ thần Venus này.
Trong một vài năm nữa, một phi đội tàu vũ trụ robot sẽ đổ bộ sao Kim và bắt đầu thăm dò một trong những tinh tú khắc nghiệt nhất trong hệ mặt trời. Một tàu vũ trụ sẽ vượt qua bầu khí quyển dày đặc và cực kỳ nóng của hành tinh, trong khi hai chiếc khác sẽ bay vòng quanh những đám mây dày đậm đặc độ axit bao phủ sao Kim, và sử dụng kính thiên văn radar tinh vi để khảo sát địa hình bên dưới.
Nhiệm vụ xem xét kỹ lưỡng như vậy thể hiện đang có một sự quan tâm mới ở tầm đặc biệt dành cho ngôi sao láng giềng với địa cầu. Mục tiêu sứ mệnh mới của những tàu thăm dò như Veritas, Davinci+ của NASA và vệ tinh EnVision của châu Âu rất đơn giản. Họ muốn biết tại sao hành tinh anh chị em với Trái đất này lại hoàn toàn khác với thế giới của chúng ta.
Vào đầu thời đại không gian những năm 60, các nhà thiên văn đã nắm được một số kiến thức về cặp đôi láng giềng sao Kim - Trái đất. Theo các chuyên gia này, cả hai hành tinh đều có cùng kích cỡ và độ tuổi, cùng thành phần cấu tạo, còn quỹ đạo thì tương tự nhau là quay quanh mặt trời. Bên dưới những đám mây dày đặc của sao Kim được dự đoán là có thể hiện hữu đại dương hoặc rừng thẳm. Thế là trong những năm 70 và 80, hàng loạt phi thuyền robot thăm dò đã được các cơ quan vũ trụ của Mỹ và Liên Xô phóng đi để khám phá sự thật.
Cuối cùng một vài tiết lộ đã được vén màn. Đó là viễn cảnh một thế giới của... địa ngục. Sao Kim được phát hiện có nhiệt độ bề mặt lên đến 475°C, đủ nóng để nấu chảy chì. Đồng thời, sức ép khí quyển trên bề mặt của nó là 93 bar, tương đương với áp suất một km dưới đại dương trên Trái đất. Các tàu thăm dò của Liên Xô khi hạ cánh trên sao Kim vào những năm 70 và 80 đã khôn ngoan tìm ra cách truyền dữ liệu đi từ hành tinh này chỉ trong một khoảng thời gian ngắn là mất hai tiếng đồng hồ, trước khi chúng bị sức nóng và áp suất nghiền nát và phá hủy.
Ngược lại với địa cầu của chúng ta, sao Kim lại bị bao phủ bởi những đám mây tử khí dày đặc axit sulfuric, rất dễ dàng hủy hoại sự sống. Nguyên nhân của những khác biệt này được giải thích là do một lượng lớn khí cacbonic đã tích tụ trên sao Kim. Tình trạng lý hóa này đã giữ lại bức xạ mặt trời và gây ra hiệu ứng nhà kính tồn tại trên quy mô lớn, chẳng khác gì cuộc khủng hoảng khí hậu hiện đang dần chớm phá vỡ các mô hình thời tiết, làm tan chảy các chỏm băng trên Trái đất hiện nay.
Sự so sánh này khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi là, cũng tích tụ carbon dioxide nhưng sao tình cảnh hành tinh Venus lại tồi tệ gấp trăm nghìn lần Trái đất? Có chuyện may mắn về xuất hiện sự sống hay còn hiện diện sự khác biệt nào đó trong hành trình quỹ đạo bay của cả hai khi xoay quanh mặt trời? Câu trả lời vẫn đang được khoa học truy vấn để tìm kiếm các hành tinh sở hữu nước có khả năng tồn tại ở dạng lỏng để con người sinh sống được trên quỹ đạo xung quanh các ngôi sao khác trong thiên hà.
Theo Giada Arney, phó điều tra viên chính phụ trách tàu thăm dò Davinci+, cuộc điều tra của NASA về sự tiến hóa của sao Kim có thể giúp nhân loại hiểu rõ hơn về cách các miền thế giới có thể sinh sống được phân bố ở những nơi khác trong vũ trụ, và quy trình tiến hóa của các hành tinh dạng này.
So với Trái đất, sao Kim ở gần mặt trời - 67 triệu dặm so với 93 triệu dặm, khiến hành tinh này ấm hơn một chút khi nó hình thành cách đây 4,5 tỷ năm trong quá trình khai sinh Thái dương hệ. Kết quả là, hơi nước trong bầu khí quyển của Venus không bao giờ ngưng tụ thành biển, đại dương, để hấp thụ carbon dioxide và ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ của nhà kính như trên Trái đất của chúng ta.
Đến lúc này không có cách nào khác hơn là đành khám phá Kim Tinh qua nghiên cứu bề mặt của nó. Tàu thăm dò Magellan của Mỹ đã làm chuyện ấy vào năm 1989 khi sử dụng radar để nhìn xuyên qua các đám mây, và cung cấp một bản đồ toàn cầu tuyệt vời về ngôi sao này với những tiết lộ về bề mặt nứt nẻ, dấu vết của những núi lửa từng có. Nhưng đó cũng vẫn chỉ là ảnh chụp nhanh với công nghệ camera phôi thai hồi ấy, nên chuyện liệu những hỏa diệm sơn ấy có còn hoạt động hay không thì đành chịu!
Giờ đây, các tàu thăm dò không gian mới sẽ sử dụng công nghệ radar, khối phổ kế của thế kỷ 21, được kỳ vọng sẽ cung cấp một bức tranh sinh động về hành tinh này với chuẩn thăm dò sâu hơn và việc xác định các phân tử cũng dễ dàng hơn. Cả tàu Veritas của NASA lẫn EnVision của châu Âu sẽ từ một quỹ đạo cao trên các đám mây axit cùng lập bản đồ bề mặt Sao Kim.
Ngược lại, Davinci+ sẽ phóng một tàu thăm dò nhỏ, hạ dù xuống bầu khí quyển của Venus để lấy mẫu các thành phần khí trong mỗi 100 mét. Những phép đo này sẽ rất quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc bầu khí quyển của Sao Kim hầu cung cấp manh mối về sự hình thành, tiến hóa. Biết rõ về mức độ deuterium, các khí quý như argon và neon, có thể xác định được lượng nước đã từng có ở đấy.