Ứng dụng công nghệ để dọn dẹp rác trong không gian
(DNTO) - Dù rất khó thấy nhưng trên đầu chúng ta thực sự đang có một đống rác vũ trụ nặng hơn 9.000 tấn - tương đương với trọng lượng của 720 xe buýt học sinh – cần dọn dẹp để an toàn không gian. Nhiều công nghệ mới đang được thử nghiệm để làm nhiệm vụ cấp thiết này.
Đống rác mảnh vỡ vũ trụ này bao gồm các vệ tinh đã hết hữu dụng, những bộ phận của vệ tinh cũ và thân tên lửa. Sự hiện diện lơ lửng của chúng tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho trạm vũ trụ quốc tế và đe dọa hoạt động của các thiết bị từ dự báo thời tiết, GPS đến viễn thông. Vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi mỗi lúc lại có nhiều vệ tinh được phóng lên hàng năm từ các công ty liên doanh như SpaceX của Elon Musk.
Sứ mệnh đã được trao cho những công ty như Astroscale để thử nghiệm công nghệ mới dọn sạch các mảnh vỡ kiểu này. Từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, tên lửa Soyuz 2 sẽ phóng một phi thuyền nặng 175 kg gắn kèm vệ tinh vào không gian. Hệ thống này sẽ tách ra và sau đó cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ “quét dọn” trong suốt vài tháng.
Con tàu sẽ sử dụng các tấm từ tính có thể tái sử dụng nhiều lần để “thu gom và áp tải” từng vệ tinh cũ hết hữu dụng, tống xuống bầu khí quyển Trái đất để chúng tự bốc cháy. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 9, tháng 10 mới chỉ là diễn tập, sau thời gian đó mới thực sự thi hành nhiệm vụ.
Bổn phận của Astroscale là kiểm tra khả năng thâu tóm rác vệ tinh của tàu vũ trụ ở tốc độ 28 nghìn km/giờ trong không gian. John Auburn, CEO của công ty nhận định, đã đến lúc phải xử lý nghiêm túc mối đe dọa từ các mảnh vỡ. Việc tránh được những va chạm thảm khốc sẽ giúp bảo vệ hệ sinh thái không gian và đảm bảo tất cả các quỹ đạo có thể tiếp tục phát triển bền vững cho các thế hệ mai này.
Bên cạnh JAXA, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, nhiều cơ quan, tổ chức và công ty không gian khác cũng đang nghiên cứu nhiều dạng công nghệ để loại bỏ rác không gian. Còn ở châu Âu, ClearSpace 1 dự kiến sẽ khởi động sứ mệnh này vào năm 2025, bằng cách sử dụng bốn cánh tay robot để thâu tóm “rác” sau khi đã thử nghiệm thành công cách đây 3 năm khi hợp tác với Airbus và Tập đoàn Ariane của Pháp.
Trên thực tế, các mảnh rác không gian nguy hiểm nhất đối với tàu vũ trụ và các loại vệ tinh bởi chúng quá nhỏ rất khó phát hiện nên không dễ né tránh. Theo báo cáo của NASA, có ít nhất 26.000 miếng rác không gian đang quay quanh Trái đất, mỗi mảnh có kích thước hơn kém một quả bóng mềm nhưng đủ sức phá hủy một vệ tinh khi va chạm. Bên cạnh đó là hơn 500.000 viên bi có kích thước đủ lớn để gây sát thương cho tàu vũ trụ, và khoảng 100 triệu mảnh vụn chỉ to bằng hạt muối nhưng vẫn có thể làm thủng một bộ đồ không gian.