'Gỡ' dần những thế khó của nông sản trên sàn thương mại điện tử
(DNTO) - Những yêu cầu về đảm bảo độ tươi ngon, đáp ứng truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch… tưởng chừng sẽ ‘ngáng đường’ nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhưng nay đã và đang dần được gỡ bỏ.
Hành trình nông sản lên “chợ online”
Cách đây vài năm, trên các diễn đàn về thương mại điện tử, khi nói về việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa nào đưa lên các “chợ online”, các chuyên gia đều cho rằng khó nhất là đưa sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi lên thương mại điện tử.
Bởi lẽ, thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn, việc mập mờ trong truy xuất nguồn gốc… sẽ khiến người tiêu dùng e ngại khi đặt mua trực tuyến các sản phẩm này. Cùng với việc nông sản Việt Nam thời điểm đó vẫn tiêu thụ bình thường, nên việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử gần như không được quan tâm.
Thế nhưng, khi dịch Covid-19 bùng phát từ cuối 2019, đầu năm 2020 khiến con đường thương mại với Trung Quốc – thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta bị đình trệ, nông sản Việt Nam rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Còn nhớ thời điểm đầu năm 2020, mỗi ngày đều có hàng trăm xe nông sản ách tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Cơ quan ban ngành Việt Nam phải liên tục làm việc với nước bạn đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ thông quan hàng hóa. Trong nước, hàng loạt cuộc kêu gọi “giải cứu” nông sản như dưa hấu, xoài, bắp cải… diễn ra.
Thế nhưng, những giải pháp trên chỉ là tạm thời. Nhận định dịch Covid-19 không thể chấm dứt ngay lập tức, cần có giải pháp dài hơi, bền vững hơn, trong đó, thị trường nội địa với 94 triệu dân là trụ đỡ cho nền kinh tế và là thị trường quan trọng cho hàng hóa Việt được hướng đến. Đồng thời, các giải pháp giao thương trực tuyến, bán hàng qua thương mại điện tử được xem là kênh phân phối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa đắc lực trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ngay từ cuối năm 2019, các “Gian hàng Việt trực tuyến” do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương và các sàn thương mại điện tử bao gồm Sendo, Voso (Viettel Post) được xây dựng với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trên thương mại điện tử tại Việt Nam; kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại, ứng phó kịp thời trong đại dịch Covid.
Tháng 11/2020, Cục Thương mại Điện tử tiếp tục đẩy mạnh triển khai “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” với sự tham gia của Sàn thương mại điện tử Sendo và Voso (Viettel Post). Năm 2021, tiếp tục có thêm sàn Tiki, Shopee tham gia cuộc chơi này.
Tác động từ dịch Covid-19 và xu thế thương mại điện tử đã giúp nông sản Việt lên online nhanh hơn, được người tiêu dùng tiếp nhận tốt hơn. Sản lượng tiêu thụ nông sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử đạt mức kỷ lục so với tiêu thụ trực tiếp.
Đơn cử như hồi cuối tháng 3, chỉ sau 4 ngày được hỗ trợ lên Sàn thương mại điện tử Sendo, 3.000 đơn hàng là sản phẩm đặc sản Sơn La (trong đó có nông sản sấy, nước trái cây, các sản phẩm Sữa Mộc Châu, mật ong nhãn sông Mã...) được phân phối đi các tỉnh, thành trên cả nước.
Cũng trong thời gian này, Sendo hỗ trợ phân phối hàng nghìn đơn hàng đặc sản Bến Tre như bưởi Giồng Trôm, hàng chục loại sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chế biến từ cây dừa của tỉnh này tới 56 tỉnh, thành phố cả nước.
Đầu tháng 5, 30 tấn hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được tiêu thụ chỉ sau 10 ngày mở bán trên sàn Vỏ Sò. Sàn này cũng hỗ trợ tiêu thụ 1.000 đơn hàng vải thiều Thanh Hà chỉ sau 4 ngày mở bán.
Bắt đầu từ 28/5, Shopee cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ mận hậu, xoài tròn và nhiều loại đặc sản Sơn La. Chỉ trong ngày đầu tiên, 1 tấn mận hậu Sơn La tiêu thụ hết.
Cách nào đảm bảo sự bền vững cho kênh tiêu thụ online?
Có thể thấy, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử bước đầu đã thành công, giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ vào mỗi vụ thu hoạch. Thế nhưng, những lo ngại về việc đảm bảo độ tươi ngon của hàng hóa, đáp ứng truy xuất nguồn gốc… vẫn còn đó.
Chính trong cuộc họp ngành hôm 27/5, bên cạnh việc đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Làm thế nào đừng để lực lượng quản lý thị trường liên tục nhận thông tin trên đường dây nóng của tổng cục về việc quả vải bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử kém chất lượng”.
Đồng thời, vị này cũng bày tỏ băn khoăn về việc các xe hàng của công ty vận chuyển thường chở nhiều chủng loại hàng hóa, không riêng nông sản, nên nếu chỉ một mặt hàng trên xe vi phạm có thể ảnh hưởng đến lưu thông nông sản, như vậy, chất lượng sẽ không được đảm bảo.
Giải thích cho những băn khoăn này, ông James Dong – Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam - đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng thương mại điện tử cho biết, hiện đơn vị này đang phân phối vải theo hình thức giao nhanh đến tận tay người mua trong 4 giờ tại Hà Nội và TP.HCM để đảm bảo độ tươi ngon, hương vị đặc trưng của vải.
Viettel Post (sở hữu sàn Vỏ Sò) cũng đặt mục tiêu giao nông sản trong 4 giờ, từ lúc thu hoạch tới tay khách hàng, với những đơn hàng dưới 100km và giao hàng trong 6 giờ với những đơn hàng ở phạm vi xa hơn bằng công nghệ last mile (giao hàng chặng cuối).
“Viettel Post cam kết, nếu hàng hóa trên sàn Vỏ Sò sai về chất lượng và quy cách vận chuyển, sau khi được xác minh sẽ đền bù gấp 10 lần cho khách hàng” - Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng nhấn mạnh.
Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, để đảm bảo việc quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch, cục đang từng bước hướng dẫn doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.
“Hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được cục phát triển và đang từng bước hướng dẫn bà con nhập liệu vào nhật ký canh tác. Mã QR được gắn ở cổng vào của mỗi vườn, các hộ canh tác sẽ thực hiện việc nhập liệu như định kỳ chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phun trừ sâu… như thế nào để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm” - ông Vũ Bá Phú cho biết.
Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương mại cũng cho biết sẽ lên kế hoạch phối hợp với các sàn thương mại điện tử để tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream), tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, để việc tổ chức sản xuất được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.