Giá nhiên liệu toàn cầu 'đỏng đảnh', đe dọa sinh kế và ổn định xã hội

(DNTO) - Tháng trước, cơn giận dữ và nỗi sợ hãi về giá năng lượng bùng nổ ở Ecuador và lan tràn khắp thế giới, từ Hoa Kỳ đến Nigeria. Thế rồi giờ đây, sự nhảy múa trồi sụt về chi phí nhiên liệu lại khơi mào sự hỗn loạn khác, với viễn cảnh tình trạng lo âu nhấp nhỏm sẽ còn gay gắt hơn nhiều
Chuyện tháng Sáu…
“No es suficiencye” - Vẫn chưa đủ, đó là thông điệp mà nhóm biểu tình ở Ecuador gửi tới tổng thống nước sở tại sau khi ông thông báo sẽ giảm giá xăng và dầu diesel xuống 10 xu để xoa dịu cuộc biểu tình bạo loạn về giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.
Tháng trước, cơn giận dữ và làn sóng hãi sợ vì giá năng lượng nhảy vọt đã bùng nổ ở Ecuador rồi lan tràn khắp thế giới. Tại Hoa Kỳ, giá xăng tăng tới 5 USD/gallon, áp gánh nặng lên người tiêu dùng. Còn ở nhiều nơi khác, cú bốc cao về chi phí nhiên liệu còn kịch tính hơn khiến tình trạng khốn khó đi kèm càng thêm gay gắt.

Liệu chính sách tăng sản lượng dầu mỏ để hạ nhiệt nguy cơ giá dầu thế giới tìm cách leo thang có hiệu quả lâu bền? Ảnh Shutter Stock
Các gia đình lo lắng xoay xở tìm cách giữ cho đèn sáng, đổ đầy bình xăng ô tô, sưởi ấm nhà và đun nấu các bữa ăn. Doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí vận chuyển và điều hành ngày càng tăng, đi kèm đó là áp lực đòi tăng lương từ người lao động. Tình hình u ám đến nỗi ở Nigeria, dân làm tóc phải sử dụng đến ánh sáng từ điện thoại di động để hành nghề vì không kham nổi tiền xăng chạy máy phát điện.
Còn tại Anh, chi phí đổ đầy bình nhiên liệu cho một chiếc xe gia đình cỡ trung ngốn đến 125 USD. Các trạm dịch vụ ở Hungary khống chế người lái ô tô chỉ được mua tối đa 50 lít xăng mỗi ngày. Ghana còn khủng hoảng hơn, cảnh sát phải bắn hơi cay lẫn đạn cao su vào đám đông biểu tình phản đối khó khăn kinh tế do xăng tăng giá, lạm phát và một loại thuế mới áp lên thanh toán điện tử.
Giá nhiên liệu tăng vọt rình rập gây xáo trộn các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu. Chi phí năng lượng cao còn có tác động phân tầng, gây lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu vốn đã sẵn tàn khốc. Tình hình càng rối hơn khi Nga, nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất thế giới tấn công Ukraine, cộng thêm các lệnh trừng phạt trả đũa sau đó đã khiến giá khí đốt và dầu tăng phi mã đến không tưởng.
Như bồi thêm vào bức tranh u ám đó, tác hại từ hai năm biến động do đại dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng gặp trục trặc, thậm chí phải ngừng hoạt động. Giá năng lượng tăng đột biến tháng trước cũng là lý do chính khiến Ngân hàng Thế giới phải sửa cả dự báo kinh tế với ước tính tăng trưởng toàn cầu là sẽ chậm hơn dự kiến, xuống còn 2,9% trong năm nay, gần bằng một nửa so với năm 2021.
Ở châu Âu, sự phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga đã khiến châu lục này đặc biệt dễ bị tổn thương khi giá cả leo thang và có lúc lâm tình trạng thiếu hụt. Bồi thêm vào đó là việc Nga cắt giảm cung cấp khí đốt cho một số nước châu Âu. Còn trên khắp lục địa, đâu đâu cũng có các quốc gia âm thầm tính toán lên kế hoạch đối phó với tình hình “hạn hán nhiên liệu”.

Một xe tải chở xăng dỡ hàng tại trạm dịch vụ ở Thành phố Mexico vào tháng 6 năm 2022. Mexico đang sử dụng tiền kiếm được từ dầu thô mà họ sản xuất để trợ giá xăng. Ảnh The New York Times)
Thế rồi, cũng giống như diễn biến của những trường hợp khủng hoảng, nhóm người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất sẽ là nạn nhân trực tiếp cảm nhận được những tác động khắc nghiệt nhất. Theo cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, giá năng lượng cao hơn đồng nghĩa với việc có thêm 90 triệu người ở châu Á và châu Phi không được sử dụng điện. Năng lượng đắt đỏ như góp thêm nỗi đau, tiếp tay khiến giá lương thực tăng cao, hạ thấp mức sống và đẩy hàng triệu người lâm cảnh đói kém.
Chi phí vận chuyển – cả bằng xe lẫn bằng máy bay - cũng góp phần làm đội giá mọi mặt hàng, cho dù đó đơn giản là giày dép, điện thoại di động, banh bóng đá hay thuốc kê đơn. Eswar Prasad, nhà kinh tế học tại Đại học Cornell, đau xót ví von: “Cú gia tăng giá năng lượng và thực phẩm cùng lúc là cú đấm kép vào vùng bụng của người nghèo ở mọi quốc gia”. Cơn bão giá đã ập đến khắp nơi. Theo GlobalPetrolPrices.com, tại Lào, giá khí đốt trên 7 USD/gallon; ở New Zealand là trên 8 đô la; còn tại Đan Mạch và Hồng Kông lần lượt nằm mức giá 9 và hơn 10 đô la cho mỗi gallon.
Nhóm lãnh đạo thuộc ba công ty năng lượng Pháp đã lên tiếng kêu gọi một nỗ lực mà họ nhấn mạnh “cần ngay lập tức, đồng loạt và quy mô lớn” để giảm mức tiêu thụ năng lượng của xứ lục lăng. Nhóm cũng khẳng định, việc kết hợp giữa tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng vọt có thể đe dọa đến sự gắn kết xã hội vào chính mùa đông tới. Còn ở các quốc gia nghèo, mối đe dọa vừa kể lại càng gay gắt hơn. Riêng Tổng thống Mexico, Andrés Manuel López Obrador, đang cho sử dụng tiền kiếm được từ dầu thô do quốc gia sản xuất để trợ cấp giá khí đốt trong nước.
…và giờ đây
Thế rồi tự nhiên có vẻ như “gió đã đảo chiều” khi thời gian gần đây giá nhiên liệu, năng lượng xem chừng đang cùng “rủ nhau đi xuống”. Tình huống đối nghịch bất ngờ này đã khiến Fatih Birol, Giám đốc Điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế phải lên tiếng cảnh báo. Theo ông, tại thời điểm này, kịch bản duy nhất khiến giá nhiên liệu đi xuống là suy thoái kinh tế toàn cầu, để rồi cái hậu của biến chuyển bất thường ấy có thể là viễn cảnh người dân vẫn thấy giá năng lượng cao và biến động trong những năm sắp tới.

Năng lượng đắt đỏ tiếp tay khiến giá lương thực tăng cao, hạ thấp mức sống và đẩy hàng triệu người lâm cảnh đói kém. Ảnh Reuters
Nỗi lo cơn bão giá quay lại vẫn lơ lửng khi mới đây Nga cảnh báo có thể ngừng xuất khẩu dầu nếu phương Tây áp giá trần với dầu thô của xứ sở Bạch Dương. Bên cạnh đó, không biết có nên lạc quan với tin vui là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vừa thông báo sẽ duy trì chính sách tăng sản lượng dầu mỏ để hạ nhiệt nguy cơ bối cảnh giá dầu thế giới tái leo thang.. hay không. Dù giờ đây quyết định tăng nguồn cung khai thác dầu mỏ, dù không nhiều của OPEC+, đang được dư luận quốc tế đánh giá cao trong nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu.
Như thế, rõ ràng sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine, tháng qua giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Dù nay giá đã giảm bớt, nhưng vẫn chực chờ quay lại ngưỡng hơn 115 USD/thùng hồi 30/6, có thể sẽ lại do nguồn cung bị thắt chặt và lo ngại về bất ổn địa chính trị toàn cầu vốn đang rất khó đoán.
Trớ trêu là khi giá xăng giảm khá sâu trong vòng 2 tuần vừa qua lại khiến lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu bị sụt giảm nặng nề, cụ thể tại thị trường châu Á là 102% trong tháng 7 mới đây. Sự sụt giảm nhu cầu cùng với lượng hàng tồn kho tăng lên là một bài toán khó dành cho giới lãnh đạo trong ngành dầu khí khiến chính nhóm này nay lại lâm cảnh “nhà giàu cũng khóc!”.