Gấp rút nhân bản các ‘sếu đầu đàn’ giống như Vingroup, THACO, Hòa Phát
(DNTO) - Việt Nam đang có một số doanh nghiệp tạm coi là “sếu đầu đàn” nhưng số lượng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, khiến ngành công nghiệp nội địa vẫn đang phụ thuộc lớn vào khối FDI. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp nội địa đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế.
Doanh nghiệp có lớn, nhưng chậm
Chia sẻ trong chương trình “Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn” hôm 24/9, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận thời gian qua, chúng ta có một số doanh nghiệp tạm coi là “sếu đầu đàn” có thể dẫn dắt nền kinh tế như Vingroup, THACO, Hòa Phát… tuy nhiên, số lượng chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.
Hiện nay, ngành công nghiệp hiện đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm chiếm 22-23% GDP, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10%...
Ông Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí- Bộ Công Thương cũng cho biết, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, thủy điện, chúng ta đang có một số tập đoàn đủ mạnh. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực khác, chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ đang xử lý công nghệ nền, chưa có khả năng tự chủ công nghiệp, công nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.
Đơn cử như trong các chương trình dự án về năng lượng, trong phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, đường cao tốc... chúng ta đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI, như vậy, giá trị thặng dư rất ít, hàm lượng công nghệ mang lại cũng không cao.
Chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên cho biết Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất gia công, chưa chạm được nhiều đến tự động hóa, số hóa. Doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới; chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn, thế giới vào Việt Nam. Không những vậy, bước chuyển mình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các doanh nghiệp còn yếu.
“Doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta có lớn, nhưng chậm. Cần có những cách tiếp cận mới, khác thường để có những bước tiến xứng tầm, đúng với thời đại...”, ông Thiên nói.
Nhà thầu nội địa cần được trao niềm tin
Các chuyên gia cho rằng hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Muốn vậy, cần xây dựng cơ chế và hoàn thiện chính sách.
“Điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là liên quan đến việc đánh giá năng lực nhà thầu, chúng ta phải giải quyết được điểm nghẽn này”, ông Khoa nói.
Lấy ví dụ chứng minh cho quan điểm trên, ông Khoa kể câu chuyện của ngành thủy điện trước đây đều phụ thuộc nguồn nước ngoài và giá bán rất cao. Viện Nghiên cứu Cơ khí lúc đó được Bộ Công Thương cấp kinh phí 157.000 USD, giao nhiệm vụ phải học hỏi được kinh nghiệm quốc tế. Đơn vị đã đi khảo sát tất cả các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Đức, Nga và Ukraine… vì đó là những cường quốc làm về thủy điện và sau đó lựa chọn đối tác là Ukraine. Kinh phí chỉ sử dụng hết 150.000 USD.
Khi về nước, các doanh nghiệp ở trong nước không ủng hộ vì nghĩ rằng chúng ta không thể thiết kế được. Sự quyết tâm của Chính phủ và lãnh đạo Bộ đã giúp đơn vị này thiết kế làm được 29 công trình, giảm thành sản phẩm cũng như giảm mức đầu tư. Thủy điện Sơn La phát điện sớm hơn 2 năm, tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Quay trở lại với câu chuyện hiện nay, ông Khoa cho rằng doanh nghiệp cơ khí trong nước với nguồn lực hiện tại hoàn toàn có thể thực hiện được những công việc lớn, phức tạp ở các dự án lớn mà từ trước đến nay đấu thầu và hầu như thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
“Nếu tin tưởng vào đội ngũ doanh nghiệp cơ khí trong nước, nếu có cơ chế phù hợp thì chúng ta sẽ làm chủ được và đất nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền”, ông Khoa nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, Công ty CP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE) cho biết ở góc độ thị trường, bằng cách nào đó tăng cường niềm tin đối với doanh nghiệp Việt Nam, giao cho những dự án mà doanh nghiệp có đủ năng lực thực thi, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Tân cho rằng cần các cuộc vận động như Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Song, những cuộc vận động này không thường xuyên, không liên tục, bị ngắt quãng, chưa tạo được “độ thấm” trong nhân dân. Hay nói cách khác đó là chưa xây dựng được văn hóa, được ý thức dân tộc.
“Người dân Hàn Quốc, họ khó tính hơn người Việt Nam rất nhiều, cực kì khắt khe với doanh nghiệp nội địa. Nhưng họ vẫn ưu tiên dùng hàng của doanh nghiệp họ vì chất lượng. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần cải tiến, nâng cao chất lượng để không chỉ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà còn Người Việt Nam tự hào về hàng Việt Nam”, ông Tân nói.
Nhận định Việt Nam vẫn chưa có chiến lược xây dựng doanh nghiệp bám sát thực tiễn, chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên cho rằng chúng ta có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhiều tầng. Có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp cực lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ... Từ chiến lược này, chúng ta dễ dàng phân chia, định hình chiến lược phát triển để phù hợp với từng tầng doanh nghiệp.
Trong giai đoạn vừa qua, ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết Bộ Công Thương đã hoàn thiện sửa đổi dự thảo Luật phát triển công nghiệp hỗ trợ, đang trình Chính phủ. Dự thảo Luật nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, làm cơ sở sở pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.