Điều Intel, Amkor... đang muốn tìm ở Việt Nam

(DNTO) - Một chiếc camera của Iphone muốn xuất xưởng cần được kiểm thử tới 200.000 lần. Điều này cho thấy nhu cầu kiểm thử của các tập đoàn bán dẫn đang rất lớn và kéo theo nhu cầu tìm kiếm nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Việc đào tạo nhân lực trong ngành bán dẫn cần có sự quy hoạch theo các công đoạn và Việt Nam tập trung trước mắt. Ảnh: T.L.
"Đại bàng" khao khát nhân lực
Trong ngành công nghiệp bán dẫn, cơ bản sẽ gồm 4 công đoạn: thiết kế, chế tạo, đóng gói và thử nghiệm. Nếu tính cả phần mở rộng sẽ gồm cả phát triển ứng dụng dựa trên các vi mạch đã được chế tạo.
Đa phần các nước đang phát triển công nghiệp bán dẫn đều mong muốn hướng tới công đoạn thiết kế vì đem lại lợi nhuận cao nhất, chiếm khoảng 52-55% giá thành. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tập trung nhiều vào công đoạn đóng gói và kiểm thử. Vì vậy, theo chuyên gia, Việt Nam nên tập trung vào công đoạn này để học tập kinh nghiệm cũng như đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.
Bởi theo ông Vũ Việt Hùng, Đại diện Tektronix (Mỹ), công ty trong lĩnh vực đo kiểm chip, linh kiện và các sản phẩm đầu cuối, với tất cả các tập đoàn sản xuất linh kiện hay chip, sau quá trình đóng gói đều cần quá trình kiểm thử, tùy theo nhu cầu của từng đơn vị sẽ có tần suất và quy trình kiểm thử khác nhau.
Ví dụ trong kiểm thử linh kiện camera, camera của Iphone được kiểm thử tới 200.000 lần, camera của Samsung cũng kiểm thử tới 20.000 lần. Điều này cho thấy nhu cầu nhân lực cho kiểm thử rất lớn.
Mới đây, Amkor và HANA Micron là 2 tập đoàn lớn về đóng gói chip đã đặt nhà máy ở miền Bắc Việt Nam. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao liên quan đến đóng gói và kiểm thử rất lớn nhưng đây lại là lĩnh vực hoàn toàn mới với Việt Nam và đang thiếu nhân lực trầm trọng.
“Cho biết khi bàn giao thiết bị cho các đơn vị, hầu hết các kĩ sư đều tương đối mới và chỉ có vài người được nắm bắt quy trình đo kiểm”, ông Hùng nhận định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, cho biết hiện các công ty bán dẫn nước ngoài như Intel, Amkor đã vào Việt Nam nhưng chúng ta đang thiếu đội ngũ phục vụ công tác kiểm thử và lắp ráp.
Tuy nhiên, thiết bị đo kiểm cho bán dẫn là thiết bị tương đối mới và gần như các trường đại học ở Việt Nam cũng chưa được trang bị. Vì thế rất cần có sự kết hợp giữa các bên như NIC, viện trường để có cơ sở hạ tầng dùng chung.
“Vì vậy phải làm điều tra để biết được nhu cầu đội ngũ này đến đâu, sau đó quy hoạch cho các trường đại học đào tạo về linh kiện, vật liệu bán dẫn sẽ đào tạo luôn cho các kỹ sư lắp ráp sau này. Và chúng ta không đào tạo ồ ạt mà cần phân bổ cụ thể, ví dụ ai sẽ làm vật liệu bán dẫn, tuyển sinh như thế nào”, ông Bình nói.
Chuẩn đầu ra phải theo doanh nghiệp

Chính phủ nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo và hướng dẫn thực tập cho sinh viên ngành bán dẫn. Ảnh: T.L.
Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030. Nhưng theo ông Bình, con số này không đủ. Chưa kể, hệ thống đào tạo nhân lực bán dẫn vẫn đang thiếu thầy, do các thầy ở các trường đại học hiện nay cũng chưa từng làm thiết kế chip.
Vị chuyên gia cho rằng cần tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên trước, song song với đó là có chính sách kết hợp với các trường, trung tâm đào tạo nhân lực bán dẫn ở nước ngoài cũng đang nhăm nhe vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
“Các trường có thể tự đào tạo và cấp bằng cho các kĩ sư bán dẫn. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi quốc tế, phải có chứng chỉ quốc tế thì mới đảm bảo chất lượng. Ví dụ nếu sinh viên có chứng chỉ của Synopsys, của các nhà thiết kế chip bán dẫn lớn sau khi tốt nghiệp thì họ sẵn sàng nhận nhân lực của chúng ta ngay”, ông Bình nói.
Nhấn mạnh việc các công ty và tập đoàn quốc tế vào Việt Nam sẽ có những yêu cầu cụ thể về nguồn nhân lực, GS. TS Phan Mạnh Hưởng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) cho biết các trường cần nắm bắt rõ các yêu cầu của doanh nghiệp và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp.
Đây là một vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù Chính phủ có kế hoạch đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, việc phân bổ đầu tư cần phải được cân nhắc để tránh chồng chéo hoặc trùng lặp. Điều quan trọng là xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện, trong đó việc đào tạo lực lượng lao động liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Ông Hưởng cho biết, ngành bán dẫn không chỉ cần các chuyên gia vật lý và khoa học vật liệu, mà còn cần nguồn nhân lực từ các ngành STEM khác như toán học, cơ học, điện tử, và viễn thông. Sự kết hợp này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.
“Chính phủ có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo thông qua các chính sách khuyến khích như giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính. Doanh nghiệp sẽ hợp tác với các trường đại học để phát triển chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời cung cấp cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên. Mô hình đào tạo đồng bộ giữa doanh nghiệp và các viện trường sẽ giúp đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của ngành và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”, ông Hưởng gợi ý.