Doanh nhân Việt kiều về nước: Khi dòng chất xám quay lại
(DNTO) - Làn sóng doanh nhân Việt kiều lần lượt về nước lập nghiệp thời gian qua đã chứng minh một điều: Khi Việt Nam duy trì sự ổn định chính trị - xã hội, nền kinh tế tăng trưởng tốt, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút được nhiều chất xám từ các nơi trên thế giới, trong đó có đội ngũ kiều bào.
Nhiều năm qua, câu chuyện “chảy máu chất xám” luôn được nhắc đi nhắc lại, là vấn đề trăn trở của các nhà chính sách và xã hội. Bởi những năm về trước, một lực lượng không nhỏ người lao động, sinh viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho đến cả các doanh nhân sau khi học tập, lao động, nghiên cứu ở quốc tế đều tìm đường ở lại, không trở về quê hương.
Truyền thông, xã hội lúc đó tỏ ra rất gay gắt với đội ngũ này vì quan điểm sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài là “không có đóng góp gì cho Việt Nam”. Thậm chí, một bộ phận quan điểm còn cho rằng do chính sách thu hút và giữ chân nhân tài của ta chưa đủ hấp dẫn, khiến những tài năng phải tìm nơi có đãi ngộ tốt hơn để làm việc.
Nhưng vài năm trở lại đây, câu chuyện “chảy máu chất xám” đã được nhìn nhận khác. Theo thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng thời kỳ. Nếu tính cả năm 2023 thì lũy kế đạt khoảng 206 tỉ USD. Đây là một nguồn lực rất lớn hỗ trợ nhiều gia đình, địa phương trong những năm qua.
Không chỉ hỗ trợ về tài chính, đội ngũ Việt kiều cũng là lực lượng quan trọng đóng góp tri thức cho sự phát triển đất nước, thông qua việc kết nối với các bộ ngành, cơ quan chức năng, hiệp hội, mạng lưới trí thức trong nước, thúc đẩy đưa các nguồn lực tài chính, đầu tư, công nghệ... về Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới phẳng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, biên giới trên không gian mạng mở ra, tạo điều kiện cho dòng chảy tri thức toàn cầu lưu thông dễ dàng hơn. Những người Việt mang trong mình lòng tự tôn dân tộc vẫn có cơ hội đóng góp cho đất nước bằng nhiều hình thức, dù đang sinh sống, làm việc ở bất kì nơi đâu.
Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc đội ngũ trí thức, doanh nhân Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu đang mang lại những cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Đáng chú ý, những năm gần đây, làn sóng doanh nhân Việt kiều trở về nước lập nghiệp ngày càng lớn hơn. Ở giai đoạn đầu, hàng loạt đội ngũ doanh nhân từng khởi nghiệp kinh doanh từ Nga hay Liên Xô cũ đã về nước và tiếp tục kinh doanh thành công. Điển hình như ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan, Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, Ngô Chí Dũng- Chủ tịch HĐQT VPBank, Nguyễn Cảnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Eurowindow Holding...
Tiếp nối làn sóng hồi hương của thế hệ doanh nhân đàn anh, những doanh nhân trẻ cũng tích cực trở về nước khởi nghiệp. Điển hình như Eddie Thai, Việt kiều Mỹ, về Việt Nam từ năm 27 tuổi thành lập Quỹ 500 startups Vietnam. Phạm Kim Hùng, huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế lần thứ 45, học bổng toàn phần và theo học tại Đại học Stanford (Mỹ), cũng trở về nước khởi nghiệp với mô hình quản trị doanh nghiệp Base.vn. Hùng Trần, người được "Bố già Sillicon Valley" Peter Relan mời về làm CEO, đưa startup Got It về Việt Nam phát triển. Hay Vũ Ngọc Tâm, bỏ nghiệp Giáo sư Oxford để phát triển Earable và mở rộng startup ở Việt Nam...
Có thể khẳng định, khi Việt Nam duy trì sự ổn định chính trị - xã hội, nền kinh tế tăng trưởng tốt, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút được nhiều nguồn lực từ các nơi trên thế giới, trong đó có đội ngũ kiều bào.
TS. Võ Phương Nga, Giám đốc Tài chính, đối tác Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu cũng cho rằng để mở cửa cho nhân tài, cần phải tư duy là đưa Việt Nam trở thành “thỏi nam châm”, có sức hút với nhân tài, chứ không thể là chính sách kiểu hô hào.
“Chúng ta không thể nói ‘cứ về đây đi’, ‘đến đây đi’ nếu như chúng ta không tạo ra những lực hấp dẫn đó. Cần cho phép những sự thử nghiệm. Khi đưa ra một bài toán thì không thể áp đặt chỉ có thể giải theo một cách, mà nên mở ra để có nhiều lời giải nhất có thể. Chính sự đa dạng phong phú đó sẽ tạo nên sự hấp dẫn, sự định vị khác biệt ở Việt Nam”, bà Nga nói.
GS-TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, cho để thu hút được nhiều chất xám từ các nơi trên thế giới về Việt Nam thì yếu tố đầu tiên là sự ổn định chính trị xã hội trong nước. Đây là nền tảng để đảm bảo mỗi con người đều có thể tiếp cận cơ hội, nguồn lực, phát triển bản thân và tham gia xây dựng xã hội.
Ông Khương cũng đề cập nên có khái niệm mở về nhân tài, tức không chỉ thu hút nguồn lực con người, tài năng của Việt Nam trong và ngoài nước mà nên mở rộng ra là thu hút nhân tài trên phạm vi toàn cầu. Từ đó có chính sách thu hút, tập hợp tài năng hiệu quả.