Nới rộng cơ chế bán nhà cho Việt kiều: Kỳ vọng gần 16.000 căn hộ, đất nền tồn kho được khơi thông
(DNTO) - Để khơi thông gần 16.000 căn hộ, nhà ở và đất nền tồn kho, nhất là phân khúc cao cấp đang rất khó khăn, việc mở rộng cơ chế bán nhà, cho phép người nước ngoài và Việt kiều sở hữu nhà sẽ tạo ra những lực đẩy lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Thị trường bất động sản hưởng lợi từ 3,5 tỷ USD kiều hối
Nhu cầu người nước ngoài, Việt Kiều mua nhà tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến tháng đầu năm 2024, có 3.035 người nước ngoài đã mua nhà chung cư ở Việt Nam, khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở hình thành trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều. Trong đó, người mua tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 10 tỷ USD lượng kiều hối đổ về Việt Nam và tăng đều từ 7 - 10% qua các năm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, một lượng lớn kiều hối vẫn âm thầm chảy về Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn kiều hối dự kiến đạt 14 tỷ USD trong năm 2023 và 14,4 tỷ USD trong năm 2024.
Ông Bùi Việt Khôi, Tham tán Khoa học Công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, chia sẻ gần đây kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản... ngày càng nhộn nhịp. Đây là những khoản tiền nhàn rỗi nên họ mong có thể đầu tư hiệu quả, như mua nhà, đất hay đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh.
Với riêng TP.HCM, địa bàn nhận lượng kiều hối lớn nhất nước, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm qua đạt mức tăng trưởng rất cao, với 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm.
“Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của Thành phố”, ông Lệnh cho hay.
Các chuyên gia nhận định, thu hút kiều hối vào các dự án bất động sản là một mục tiêu quan trọng của các chủ đầu tư, bởi đây là dòng vốn có quy mô lớn và khá ổn định. Đặc biệt kỳ vọng sẽ giải phóng được hàng tồn kho, nhất là căn hộ giá trên 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC), cho hay hiện có hơn 10 triệu người Việt kiều trên 200 quốc gia. Trong số này, có 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu. Đặc điểm của nhóm người ở tuổi này là có tích sản và trong số đó hơn 3 triệu người có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Số lượng người có tiền mua căn hộ giá 20-30 tỷ đồng rất nhiều.
“Với 3 triệu căn bán được cho Việt kiều, sẽ thu về được lượng tiền rất lớn. Đây là nguồn vốn cho đất nước phát triển kinh tế xã hội, tạo ra công ăn việc làm và đặc biệt, có thể dùng đó để đầu tư cho nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp”, ông Bảo gợi ý.
Theo thống kê, có đến 25% lượng kiều hối sẽ được gửi gắm vào nhà đất. Nhiều chuyên gia nhận định, lượng kiều hối khoảng 3,5 tỷ USD này sẽ tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản trong việc kéo thanh khoản ấm lại.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam, cho biết người nước ngoài đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Họ cho rằng đây là quốc gia có tiềm năng về đầu tư bất động sản. Đã có gần 5.000 giao dịch trong 10 năm qua được CBRE thực hiện, thì có tới 45% thuộc về khách hàng nước ngoài, nhu cầu đứng đầu là thuộc về khách hàng Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... sau đó là châu Âu, Mỹ.
Khơi thông lại dòng vốn quý, rộng cửa đón Việt kiều
Các chuyên gia nhìn nhận, để giúp thị trường phục hồi, trước hết phải giải quyết được bài toán về nguồn vốn. Nhìn lại năm qua, nhiều báo cáo đã chỉ ra dòng vốn FDI là cú hích cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện chính sách ưu tiên cho người nước ngoài mua nhà của chúng ta vẫn còn rụt rè trong việc quy định người Việt Nam ở nước ngoài muốn mua nhà thường phải nhờ người thân đứng tên hộ, đến khi xảy ra tranh chấp có thể dẫn đến mất luôn tài sản. Như vậy chẳng khác nào tự quy định của chúng ta đang trói buộc chúng ta.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Eximrs dẫn chứng, trong quá trình bán hàng, có nhiều khách hàng là Việt kiều, người nước ngoài ngỏ ý muốn mua sản phẩm. Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị phân phối đều bối rối, vì không biết dự án có được bán cho những đối tượng khách hàng này hay không. Và lượng bán trong một dự án bị hạn chế khi quy định không quá 30% căn hộ trong một dự án được bán cho người nước ngoài.
“Nếu nhìn vào Thái Lan, số người Châu Âu làm việc ở đó có nhà rất nhiều. Đều này đã đẩy mạnh phát triển địa ốc cũng như du lịch. Vì khi họ có nhà tại Thái Lan, họ sẽ quay lại hằng năm. Nếu Việt Nam cho họ sở hữu một căn nhà thì họ sẽ quay lại du lịch. Họ cần một lý do để quay lại.
Còn tại Singapore, 94% người dân có từ một căn nhà trở lên. Thậm chí có người có tới 5-6 căn, họ cho thuê lại hoặc bán cho người nước ngoài. Hiện nay, Singaore cũng đã cho người nước ngoài được mua 2 căn, giấy tờ rất nhanh", bà Tú cho hay.
Theo đó, để lượng vốn kiều hối chảy vào bất động sản một cách hợp pháp, tự nhiên, mới đây, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với điểm mới quy định bỏ phân biệt giữa công dân trong nước với Việt kiều trong mua bán bất động sản trong nước.
“Quy định mới đã tạo "sân chơi" bình đẳng, "mở" quyền cho kiều bào trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản. Khi được mua nhà, có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất như công dân trong nước, họ sẽ chuyển tiền về đầu tư, mua nhà ở Việt Nam. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm nhu cầu lớn từ Việt kiều, thêm đầu ra cho nguồn cung nhà ở cao cấp đang vượt cầu”, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định.