Doanh nghiệp Việt cần nhìn rộng hơn trong bối cảnh thế giới biến động
(DNTO) - Không chỉ thay đổi về chất lượng, giá cả sản phẩm, các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Việt cũng phải nhanh chóng thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới phát sinh từ thị trường đối tác.
Doanh nghiệp Việt cần nhìn rộng hơn
Hội chứng “ếch bị luộc chín” (con ếch thả đột ngột vào nước sôi sẽ nhảy ra ngoài, nhưng khi ếch cho vào nước đun sôi từ từ sẽ không cảm nhận được nguy hiểm và sẽ bị nấu chín, ám chỉ nếu chậm thay đổi sẽ chết), được TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhắc tới trong bối cảnh có tới gần 94% trong hơn 500 doanh nghiệp được khảo sát nói rằng đã biết tới Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhưng 59% chưa từng hưởng lợi dù Hiệp định đã thực thi hơn 2 năm.
Cụ thể, theo khảo sát vừa công bố của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, nguyên nhân các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi từ EVFTA phần lớn do chưa có giao dịch nào với đối tác EU trong thời gian này (69%); không biết lợi ích cụ thể nào của Hiệp định để tận dụng (24%); và một số lý do khác từ chủ quan của doanh nghiệp hay từ các vướng mắc khách quan trong tổ chức thực thi EVFTA của cả EU và Việt Nam (4-7%).
Mặc dù với EVFTA, với hơn 99% dòng thuế suất đưa về 0 theo lộ trình nhưng theo khảo sát chỉ có 13% doanh nghiệp là chủ động thay đổi, điều chỉnh để được hưởng ưu đãi này.
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, thực hiện FTA thế hệ mới đòi hỏi doanh nhân thế hệ mới, phải có “tri thức toàn cầu, hiểu biết địa phương”, tức doanh nghiệp phải tìm hiểu, nắm bắt rõ từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm,… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường.
Bởi lẽ, thị trường EU hiện đang gặp “tam tai” từ ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga – Ukraine, tình trạng lạm phát CPI và thực phẩm tăng mạnh. Với doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động như hiện nay, nếu không nhanh chóng nắm bắt thông tin để kịp thời thay đổi sẽ có khả năng bị “luộc chín”.
Đồng tình quan điểm trên, TS Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện Friedrich Naumann Việt Nam, cho biết trong quá trình tư vấn cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu sang Đức, các đối tác Đức đều rất quan tâm đến các yếu tố kể cả khách quan, chủ quan tác động đến nguồn lực thực thi kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đây lại là việc doanh nghiệp Việt Nam làm chưa tốt.
“Khi làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chúng tôi phát hiện ra rằng doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nhiều, ngay cả kế hoạch, chiến lược kinh doanh chứ không chỉ tập trung vào làm thế nào để giá thành giảm xuống, hay chất lượng hàng hóa tăng lên mà còn phải nhìn rộng hơn, ví dụ thực hiện trách nhiệm xã hội. Bạn hàng châu Âu quan tâm cả yếu tố sản xuất ra hàng hóa đó như lao động, môi trường và các báo cáo tài chính thực.
Còn yếu tố khác mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đó là phía Đức rất quan tâm đến ngành công nghiệp phụ trợ. Họ luôn so sánh các điều kiện tương đồng ở các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia. Vì vậy, ngoài quan tâm đến quản trị, các doanh nghiệp cần chú ý hoạt động trong hệ sinh thái mà các doanh nghiệp có thể bổ trợ lẫn nhau”, TS Phạm Hùng Tiến nhấn mạnh.
Cân nhắc tìm đường mới
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là Trung Quốc vẫn thực hiện Zero Covid-19 gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng thế giới, cuộc chiến tranh Nga – Ucraina và khủng hoảng năng lượng, lương thực, theo TS Lê Xuân Sang, doanh nghiệp Việt có thể nghiên cứu chuyển hướng chiến lược.
Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững
“Doanh nghiệp trong lĩnh vực không thuận lợi cân nhắc chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á - nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường. Nên chủ động tìm hiểu, có thể tham gia M&A (mua bán và sáp nhập) các doanh nghiệp EU và Nga tại 2 thị trường này.
Doanh nghiệp có thể rà soát, liên kết tạo lập thị trường mới, chiếm lĩnh thị phần, mặt hàng, sản phẩm thị trường do doanh nghiệp Nga và EU để lại; xâm nhập thông qua kênh EAFTA (qua Belarussia.... Ngoài ra, nên chủ động tham gia vào kênh ổn định vận tải ổn định thông qua đường sắt qua Trung Quốc, châu Á, Nga, EU để giảm thiểu chi phí vận tải và giảm nhẹ bất trắc theo đường biển”, TS Lê Xuân Sang khuyến nghị.