Đến lúc ‘đánh’ thêm nhiều thị trường tỷ đô ở EU
(DNTO) - Dù là đối tác truyền thống nhưng Việt Nam mới chỉ tiếp cận một lượng rất nhỏ các thị trường trong khối 27 nước EU. Câu chuyện khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu khó khăn tác động mạnh đến xuất khẩu Việt Nam.
Không thiếu dư địa
20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hiện EU đang là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 32 tỷ USD, tăng 24%. Đặc biệt, sau 2 năm Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi, thương mại hai bên đã có bước tiến mới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.
Tuy vậy, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu vào Việt Nam vào EU chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu ngoại khối của EU. Việt Nam mới chỉ xuất khẩu vào một số thị trường tại khối này như Đức, Pháp, Hà Lan, Ý… còn đa số thị trường khác trong khối 27 nước EU, gần như thị phần hàng Việt còn rất thấp so với các đối thủ khác, vì vậy dư địa hàng hóa Việt vào khối này còn rất lớn.
“Theo số liệu chúng tôi cập nhật được, rất nhiều thị trường khác trong khối EU có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 2 con số như Phần Lan tăng trưởng 89%, Đan Mạch 20%, Bulgaria 85%, Séc 37%, Bồ Đào Nha 50%, Hy Lạp 39%... Chúng ta cần phải tận dụng cơ hội ở thị trường này và phát triển các mặt hàng để thâm nhập, cạnh tranh tốt hơn với các quốc gia khác, không chỉ mặt hàng truyền thống mà còn các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh”, ông Tạ Hoàng Linh nói trong Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU, chiều 29/9.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu sức ép lớn bởi lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị, thì EVFTA được xem là trợ lực lớn duy trì thương mại giữa Việt Nam và EU. Tuy vậy, sau 2 năm Hiệp định này đi vào thực thi, số lượng doanh nghiệp hiểu và tận dụng Hiệp định vẫn còn khá khiêm tốn và vô tình làm lỡ đi cơ hội của Việt Nam.
“Một thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp hiểu rõ về EVFTA chỉ chiếm 8%. Hiện EU đang xúc tiến đàm phán trở lại với các đối tác như Thái Lan, Philippines, Indonesia. Đây là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam vì chúng ta không biết quá trình đàm phán nhanh hay chậm, như với EVFTA, quá trình chuẩn bị cho đến khi đàm phán thành công mất 8 năm. Vì vậy về ngắn hạn và trung hạn, lợi thế của Việt Nam vẫn còn, nhưng cần chuẩn bị cho việc EU có thể kết thúc đàm phán FTA với các đối tác trong Đông Nam Á”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương), cho biết.
Ông Alain Cany, Chủ tịch iệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho biết trở ngại của doanh nghiệp SME Việt Nam là chưa hiểu rõ về nội dung của Hiệp định EVFTA, dẫn đến chỉ một Nghị quyết của EU đòi hỏi chứng từ liên quan đến thuế VAT cũng làm doanh nghiệp Việt Nam bối rối. Vì vậy việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp là rất quan trọng.
"Chúng ta có cơ hội tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, vì xuất khẩu dược phẩm sang EU chiếm 1/3 tổng dược phẩm xuất khẩu Việt Nam, trong khi mức thuế bằng 0. Ngoài ra, còn cơ hội nhập khẩu nguyên liệu và bán thành phẩm dược phẩm từ EU vào Việt Nam và tái xuất sang EU vì hiện nguồn nguyên liệu nhập khẩu Trung Quốc và Ấn Độ chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Nếu Việt Nam có thể nâng cấp chất lượng nguyên liệu dược phẩm, sẽ có tiềm năng trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này", đại diện EuroCham nhấn mạnh.
Cần cách tiếp cận mới
Tháng 9 vừa qua, 1.000 tấn gạo Việt Nam đầu tiên mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” chính thức có mặt tại 2 hệ thống siêu thị lớn tại Pháp là Leclerc và Carrefour, với trên 40.000 điểm bán. Đến nay, sau 4 tuần, 1.000 tấn gạo đã được tiêu thụ toàn bộ.
Chia sẻ về kinh nghiệm tiếp cận thị trường EU, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Lộc Trời cho biết đó là hành trình chuẩn bị và nỗ lực thay đổi kể từ năm 2016. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường từ sản xuất, bán lẻ, các yếu tố môi trường, lao động, Lộc Trời phải quy hoạch vùng trồng, hợp tác với người nông dân, chính quyền, đảm bảo truy xuất toàn bộ lúa gạo. Đơn vị này cũng tận dụng tối đa sự hỗ trợ của mạng lưới cơ quan liên quan để hiểu thêm thị trường.
“Trước đây, chúng tôi bán gạo đều không có thương hiệu. Đầu năm 2022, khi được kết nối với Thương vụ Việt Nam tại Pháp, chúng tôi có tới 20 cuộc làm việc trong vòng 1 tháng để hiểu rõ hơn về thị trường và yêu cầu châu Âu. Ví dụ khi được nhà bán lẻ khuyến nghị, Lộc Trời chia sẻ với bà con nông dân bằng cách sẵn sàng thu mua giá cao khi giá gạo trên thị trường tăng. Giờ đây, Lộc Trời đã nhận được những đơn đặt hàng trực tiếp từ đối tác, không cần thông qua bên thứ ba”, ông Thuận cho biết.
Nỗ lực thay đổi không chỉ ở phía doanh nghiệp, mà còn phải ở cả phía đơn vị hỗ trợ. Để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn EVFTA, thời gian qua, cơ quan của Bộ Công thương cũng rất nỗ lực tổ chức các Hội thảo, tập huấn về chủ đề này. Thế nhưng, vị đại diện Vụ Chính sách Thương mại Đa biên cũng thừa nhận đã đến lúc cần đổi mới phương thức tuyên truyền.
“Chúng tôi xây dựng những video ngắn, tầm 5-6 phút, tập trung vào từng lĩnh vực, từng ngành nghề, ngành hàng mà doanh nghiệp quan tâm. Thay vì xem những cam kết, đọc điều khoản rất dài trong Hiệp định thì với các video, doanh nghiệp sẽ nắm bắt đơn giản, dễ dàng hơn”, ông Khanh thông tin.
Mặc dù thời gian qua, các mặt hàng truyền thống Việt Nam như thủy sản, dệt may, da dày… đều tận dụng khá tốt Hiệp định EVFTA và có mức tăng trưởng tốt, nhưng theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) để đánh giá sâu hơn về các mặt hàng cũng như để doanh nghiệp có cái nhìn kỹ hơn, tận dụng sản xuất, thì với mỗi mặt hàng, phải đi vào các chủng loại cụ thể dựa trên cơ sở dung lượng, thị hiếu của thị trường và khả năng sản xuất của Việt Nam. Điều này giúp xác định mặt hàng tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
“Ví dụ trong ngành hàng dệt may có các mặt hàng như áo jacket, áo thun, quần các loại là 3 nhóm sản phẩm có xuất khẩu rất tốt, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Hay sau đại dịch, các mặt hàng quần áo thể thao cũng nổi lên vì nhu cầu tập luyện thể thao tăng cao. Tương tự, giày dép cũng là mặt hàng tận dụng cơ hội tốt”, bà Trang nêu ví dụ.