Nhức nhối gỡ 'thẻ vàng IUU': Đâu là nút thắt trọng yếu?
(DNTO) - Từ năm 2017 đến nay, thủy sản Việt Nam đã bị thị trường EU đưa vào diện cảnh báo khai thác bất hợp pháp (IUU). Dự báo trong đợt kiểm tra vào tháng 10 sắp tới, Việt Nam cũng khó gỡ được thẻ vàng này khi sự nỗ lực của cả ngành khai thác thủy sản Việt Nam vẫn chưa đủ quyết liệt.
Kể từ khi EU đưa ra cảnh báo vào năm 2017 về “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, chúng ta vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU. Trong khi đó, hiện nay, IUU hiện không còn là yêu cầu riêng của EU mà đang dần trở thành "luật chơi" của các thị trường lớn khác.
Đơn cử như Nhật Bản mới đây cũng đã thông qua đạo luật về việc chống đánh bắt bất hợp pháp. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận.
Cụ thể, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Ngay đầu tháng 9/2022, Nhật Bản thông báo từ ngày 1/12/2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với 4 loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này, gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích. Quy định này gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp, bởi thực tế việc thực hiện chống khai thác trái phép IUU vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh.
Phát biểu tại Cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, mặc dù khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ được cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau gần 5 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng", Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong việc gỡ rào cản này.
Đối với thực trạng vi phạm IUU chưa được quản lý triệt để, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận, đàu tiên là vấn đề nhật ký đánh bắt.
"Tôi đi từng cảng cá, lật từng cuốn số hành trình và nhận thấy, đây không phải nhật ký mà là hồi ký. Hầu hết sổ đều do vợ con ghi chép lại". Lý do sâu xa, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, là nhận thức của bà con ngư dân về chống IUU chưa đồng nhất", Thứ trưởng chia sẻ.
Cùng với đó, việc xử lý vi phạm về chống IUU tại 28 tỉnh, thành phố ven biển không đồng đều, đang có hiện tượng tàu từ tỉnh nọ chạy sang tỉnh kia khi cập bờ. Việc không thể truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác khiến nước ta "mất điểm" trong quan điểm của EC.
Mặt khác, tình trạng giải ngôn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, khiến nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng khai thác. Việc khai thác, đánh bắt cá ở kinh, vĩ độ nào, nhiều địa phương không thể xác định chính xác.
"Không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không thể truy xuất được nguồn gốc. Tôi biết, có tỉnh chỉ kiểm soát được 3% tổng sản lượng đánh bắt", Thứ trưởng nêu rõ và cho rằng, nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự quan tâm đúng mức cho chống IUU. Một số nơi chậm chuyển biến trong việc góp phần gỡ thẻ vàng IUU như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nêu quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, cho biết, công tác triển khai hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, xử lý các hành vi khai thác IUU còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hiện cả nước mới có 20 tỉnh tổ chức trực 24/24 giờ. Tình trạng mất kết nối VMS diễn ra phổ biến.
"Đều đặn mỗi ngày, phòng chuyên môn thuộc Tổng Cục Thủy sản lại thống kê danh sách các tàu cá có chiều dài trên 15 m đã gắn định vị nhưng bỗng nhiên mất tín hiệu ngoài khơi. Con số thống kê mới nhất ngày 16/9 có gần 300 tàu bị mất tín hiệu như thế. Tình trạng tàu cá “mất tích” vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ và tròn 5 năm qua, từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai các chương trình chống khai thác trái phép IUU, các nỗ lực từ phía Chính phủ, cơ quan quản lý, hiệp hội… vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn", bà Sắc cho hay.
“Khi tới cảng cá Tam Quan (Bình Định), tôi rất bất ngờ khi tại cảng có rất nhiều tàu thuyền, nhưng cơ sở vật chất của cảng lại rất sơ sài, các hồ sơ, giấy tờ cũng đều làm bằng tay. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn nhức nhối tình trạng nhiều tàu đánh bắt bất hợp pháp, đặc biệt là tại các địa phương Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, từ đầu năm 2022 đến nay, 62 vụ với 85 tàu và 704 ngư dân bị bắt giữ, xử lý. Trong bối cảnh, sản lượng hải sản khai thác đạt 3,92 triệu tấn, gần chạm ngưỡng trữ lượng 3,95 triệu tấn của Việt Nam, đây là một vấn đề lớn", Phó chủ tịch VASEP nhận định.
Nêu "'điểm nghẽn" cụ thể tại địa phương, ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, gỡ 'thẻ vàng' IUU khó nhất vẫn ở khâu chứng nhận nguồn gốc thủy sản.
Hiện nay, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn vẫn đang trong quá trình đầu tư, chưa đủ điều kiện để công bố cảng cá vì vậy cần thời gian để tỉnh Quảng Ninh gỡ bỏ tiêu chí cảnh báo cuối cùng.
Để khắc phục việc này, chi cục đã thiết lập 10 điểm kiểm tra, giám sát tàu cá dọc từ Móng Cái về tới thị xã Quảng Yên để ngư dân có thể đến khai báo và cho cơ quan chức năng đến kiểm tra, góp phần cùng với Trung ương gỡ thẻ vàng...
"Tuy nhiên, phần hạ tầng cảng cá ở công trình này chưa được hoàn thiện theo quy định. Điều này khiến cho Quảng Ninh chưa đủ điều kiện để công bố cảng cá. Đồng nghĩa với việc chưa thể có tổ chức quản lý cũng như nội quy hoạt động, chưa có đánh giá tác động môi trường cảng cá hay triển khai các thủ tục bàn giao khu vực biển.
Đặc biệt, không có cảng cá sẽ không thể thực hiện hoạt động chứng nhận nguồn gốc thủy sản và xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản, trong khi đây đều là những tiêu chí, cảnh báo cứng của EC, buộc phải đạt được mới có thể gỡ “thẻ vàng” IUU", ông Minh trần tình.