Đề xuất thành lập Trung tâm quản lý điều hành đối với ngành khai thác hải sản
(DNTO) - Để chống "bay màu" thẻ vàng sang đỏ trong khai thác IUU,Tổng cục Thuỷ sản sẽ đề xuất thành lập Trung tâm quản lý điều hành đối với ngành khai thác hải sản nhằm theo dõi nghiêm tất cả các hoạt động của cảng cá, cũng như có các giải pháp chỉ đạo điều hành liên thông giữa Trung ương với 28 tỉnh, thành giáp biển.
Sau 4 năm bị EC áp thẻ vàng, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… có giảm so với trước nhưng chưa vững chắc. Việc điều tra, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, vẫn chưa đưa ra xử lý được trường hợp nào để răn đe, giáo dục….
Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản của Việt Nam, bởi những hệ lụy có thể xảy ra như uy tín, thương hiệu của ngành bị ảnh hưởng, xuất khẩu sang EU bị sụt giảm, hoặc những tác động xấu đến việc xuất khẩu hải sản sang các thị trường khác.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) khẳng định, nếu không khắc phục kịp thời những thiếu sót, không có cải thiện theo đánh giá của EU, thì thủy sản Việt Nam sẽ bị chuyển sang cảnh báo “thẻ đỏ”. Trường hợp bị phạt “thẻ đỏ”, trước mắt thủy sản Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang thị trường EU. Ước tính, ngành khai thác thủy sản Việt Nam sẽ mất đi khoảng 387 triệu USD mỗi năm và tác động gián tiếp đến thủy sản nuôi trồng, không tận dụng được thuế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
"Quan trọng là ngành thuỷ sản Việt Nam mất đi thị trường châu Âu với giá trị 480 triệu USD. Trong trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm, sẽ gây ra những gián đoạn cho ngành thuỷ sản, trong đó khai thác thuỷ sản sẽ bị thu hẹp khoảng 30% về qui mô sản lượng", bà Sắc cảnh báo.
"Còn một tàu đánh bắt trái phép, sẽ không rút 'thẻ vàng' là khẳng định của phía EC trong các cuộc làm việc với Việt Nam. Dự kiến quý 1 năm sau, phía EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp tại các địa phương. Đây là giai đoạn mang tính chất quyết định cho việc có hay không chúng ta hoàn thành mục tiêu gỡ "thẻ vàng" trong năm sau và muộn nhất là năm 2023.
Trước nguy cấp trên, tại buổi làm việc trực tuyến với EC đánh giá tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Thuỷ sản xây dựng Đề án chống khai thác IUU đến giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung Đề án sẽ giải quyết bài toán tổng thể cho việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, và phát triển ngành khai thác thuỷ sản bền vững.
Cụ thể, trong Đề án, nội dung cơ bản trước tiên là thúc đẩy triển khai, tháo gỡ các điểm nghẽn đang tồn tại, đặc biệt là ở địa phương.
Bên cạnh đó, tiến tới quản lý tàu cá, quản lý nghề cá theo hướng chuyển đổi số, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý. Điển hình như, quản lý số lượng tàu cá, quản lý thiết bị giám sát hành trình (VMS), quản lý các cơ sở dữ liệu.
Đáng chú ý, dự kiến, Tổng cục Thuỷ sản sẽ đề xuất thành lập một Trung tâm quản lý điều hành đối với ngành khai thác hải sản để thường xuyên có những đợt kiểm tra, rà soát và tăng cường năng lực thực thi pháp luật, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU.
“Như vậy, tại Trung ương có thể theo dõi tất cả các cảng cá, hoạt động của các cảng cá, theo dõi hoạt động của tàu thuyền trên biển cũng như có các giải pháp chỉ đạo điều hành liên thông giữa Trung ương với 28 tỉnh, thành và các chi cục, các cảng cá. Đây là điểm rất mới, được coi là đột phá trong kế hoạch gỡ thẻ vàng IUU”, ông Hùng nhấn mạnh.