Chuyên gia: Tăng trưởng GDP sẽ khả quan nếu Việt Nam duy trì ‘công thức’ thực hiện chính sách
(DNTO) - Chuyên gia cho biết, công thức thực hiện chính sách Việt Nam đã đề ra đúng và trúng nhưng cần đẩy nhanh tốc độ và cường độ trong thực thi chính sách, để đảm bảo tăng trưởng khá trong năm nay.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng, tương đương với mức tăng trưởng GDP 5,34% (kịch bản 1) 5,72% (kịch bản 2) và 6,46% (kịch bản 3). Tất cả kịch bản tăng tưởng GDP dự đoán đều dưới mục tiêu 6,5%.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý đầu năm và 4,14% trong quý 2. Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp đáng kể so với giai đoạn 2016-2022.
Các chỉ tiêu kinh tế chính đều sụt giảm. Trong quý 2, sản xuất công nghiệp – động lực tăng trưởng ngành kinh tế, giảm 0,4% so với cùng kì. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng giảm 12,1%. Tổng cầu tiêu dùng trong nước chỉ tăng 2,68%, thấp hơn 3,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tổng cầu đầu tư chỉ tăng 1,15%, thấp hơn 2,77 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong nửa cuối năm, mức tăng trưởng GDP phải phấn đấu tăng hơn 7% mới có thể đạt kế hoạch tăng GDP cả năm là 6,5%. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay cũng rất khó đạt. Bởi nền kinh tế thế giới khó đoán định, những xu hướng phục hồi không chắc chắn. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm 4 tháng liên tiếp, nhu cầu của các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt từ Việt Nam đang giảm sút. Do vậy, trụ cột xuất khẩu sẽ không còn như trước, khả năng phục hồi, tăng trưởng chắc chắn bị ảnh hưởng.
TS Lê Duy Bình, chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, kịch bản tăng trưởng kinh tế mà CIEM dự đoán không phải là kịch bản quá tệ so với những thách thức mà Việt Nam đang đối diện hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu.
Điều quan trọng nhất, Việt Nam vẫn có sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự phục hồi của của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt sự gia tăng đầu tư trở lại của khu vực tư nhân, đầu tư của Chính phủ. Đây là một điểm tựa để chúng ta tin rằng nếu thị trường toàn cầu phục hồi tốt thì chúng ta có thể hướng tới kịch bản tăng trưởng cao hơn.
Trong bối cảnh lạm phát thế giới nửa đầu năm tăng cao, lạm phát Việt Nam tăng 3,29% so với cùng kì năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% đã đề ra cho cả năm nay. Đây là thành công quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế xã hội trong nửa đầu năm, tạo cơ sở cho phục hồi vào những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nhận định kinh tế thế giới phục hồi tích cực và nỗ lực trong nước là hai yêu cầu quan trọng để đạt mức tăng trưởng khả quan trong năm nay.
“Công thức thực hiện chính sách đề ra của Việt Nam là gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này đã được đề ra đúng, trúng. Nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện, làm thế nào để tổ chức thực hiện quyết liệt, thực hiện đúng, để đảm bảo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được thực hiện, giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất, giải ngân tín dụng mức cao nhất, có thể lên tới 15% so với năm ngoái… thì kết quả tăng trưởng của Việt Nam cũng khả quan hơn rất nhiều”, ông Dương nói.
Thực tế, giai đoạn 2020-2022, đã có những quý đầu năm, Việt Nam đối diện với suy giảm tăng trưởng, nhưng sau đó phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm. Các chuyên gia cũng cho rằng, những khó khăn trong 6 tháng đầu năm cũng được coi là sức ép tích cực để Việt Nam nhìn nhận rõ hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Sức ép này đặt ra yêu cầu Chính phủ và các bộ ngành, địa phương phải có những cải cách mạnh mẽ về chính sách, tổ chức thực thi để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong nửa cuối năm và các năm tiếp theo.