GDP Việt Nam có thể vẫn tăng nhờ lợi thế nước 'trung lập'
(DNTO) - Theo GS Trần Văn Thọ, nếu biết tận dụng cơ hội, thì chính sự bất ổn kinh tế, chính trị thế giới cũng có thể giúp Việt Nam phát triển với những thế mạnh của mình.
Việt Nam trong các trào lưu mới
Trong sự kiện “Nhân sự số - Năng lực nào thúc doanh nghiệp tăng trưởng?”, sáng 12/4, GS. Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda Nhật Bản, đã có bài trình bày liên quan đến khả năng thích ứng của Việt Nam trước những trào lưu mới của thế giới.
Theo GS. Thọ, ảnh hưởng của địa chính trị, địa kinh tế ngày càng ảnh hưởng đến phân công quốc tế và thường xuyên mang lại sự bất định trong hoạt động kinh tế. Đối đầu Mỹ - Trung hay chiến tranh ở Ukraine ảnh hưởng đến cung cấp năng lượng, thực phẩm, chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.Tuy nhiên, tình hình này là cơ hội cho những nước “trung lập” nếu muốn nắm bắt thời cơ để củng cố nội lực và phát huy sức cạnh tranh trên thương trường thế giới.
Một nghiên cứu thú vị của nhóm Kumagai Satoru ở IDE theo mô hình IDE-GSM về ảnh hưởng của cuộc đối đầu Mỹ - Trung đến kinh tế thế giới cho thấy, tình hình làm cho thị trường thế giới nhỏ lại và là cơ hội phát triển của các nước “trung lập”.
Theo nghiên cứu này, tại kịch bản A, từ 2025, mức độ hạn chế mậu dịch (quan thuế tăng) gấp đôi giai đoạn 2018-2019. Khi đó, GDP thế giới có thể giảm 2,3%; GDP phe Mỹ giảm 3,4%; phe Trung giảm 2,7%; nhưng ngược lại, phía phe trung lập có thể tăng 0,3% và Việt Nam có thể tăng 0,9%.
“Lương thực, thực phẩm trên thế giới ngày càng khan hiếm nên những nước có nguồn tài nguyên về nông nghiệp như Việt Nam thì thực phẩm sẽ trở thành sản phẩm chiến lược, lợi thế, có thể một trong những sản phẩm có thể cạnh tranh. Điều này cho thấy sự bất ổn kinh tế, chính trị thế giới nếu biết tận dụng cũng giúp chúng ta có thể phát triển”, GS Thọ nhấn mạnh.
Với các trào lưu mới ở lĩnh vực công nghệ, theo GS. Trần Văn Thọ, công nghệ thời cách mạng 4.0 với các trụ cột như công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IOT) và tự động hóa ngày càng ảnh hưởng đến năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp.
Do ảnh hưởng của công nghệ 4.0, sự phân ly giữa công nghiệp và dịch vụ dần lu mờ. Dịch vụ hóa sản phẩm công nghiệp trở nên quan trọng, tức những sản phẩm phần cứng sản xuất hàng loạt dễ dàng nên doanh nghiệp phải thêm dịch vụ vào mới tạo sự khác biệt.
Ví dụ, với một chiếc ô tô, vào năm 1950, tỷ lệ phần mềm trong giá thành chỉ chiếm 10%, hiện đã tăng đến 40% và dự báo tỉ lệ này chiếm gần 58% vào năm 2030, theo Nikkei Shinbun. “Mặc dù ô tô là một ngành đặc biệt khi tỉ lệ phần mềm trong giá thành cao, nhưng các ngành khác cũng trong xu thế tương tự như vậy”, GS. Thọ cho hay.
Khi tài sản vô hình biến thành hữu hình
Với các trào lưu mới phân tích ở trên, GS. Trần Văn Thọ cho biết, yếu tố quyết định năng suất lao động nói riêng và năng lực cạnh tranh nói chung của quốc gia và doanh nghiệp hiện nay là tài sản vô hình và nguồn nhân lực mới.
Cụ thể, tài sản vô hình gồm tài sản đẩy mạnh cách tân công nghệ (R&D, khả năng thiết kế…), tài sản có thể thông tin hóa (phần mềm, cơ sở dữ liệu…) và tài sản tổng hợp (năng lực quản lý, tổ chức và nguồn nhân lực mới…). Để khai thác tốt tài sản vô hình, cần đào tạo nguồn nhân lực mới với kĩ năng mới để thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ.
Tài sản vô hình với nhiều người Việt Nam có thể hơi lạ, nhưng hiện là từ khóa rất quan trọng để phát triển. Để làm rõ hơn quan điểm này, GS Thọ đưa ra ví dụ về tài sản vô hình với kinh tế Nhật Bản.
Kinh tế Nhật Bản trải qua giai đoạn phát triển thần kỳ (1955-1973) và giai đoạn củng cố vị trí cường quốc công nghiệp nhờ phát huy nội lực và tận dụng ngoại lực trong thời đại cách mạng công nghệ 2.0 và 3.0. Nhưng nền kinh tế này bắt đầu suy thoái từ thập niên 1990 vì không thích ứng hữu hiệu với trào lưu mới là cách mạng 4.0. Một trong những nguyên nhân là ít chú trọng đầu tư vào tài sản vô hình, nhất là đầu tư cho nguồn nhân lực mới.
Thống kê của World Development Indicators Database về tăng trưởng kinh tế của 5 nước tiên tiến trước khi có đại dịch Covid-19 (từ 1990-2019) cho thấy, trong khi các nước khác đều ghi nhận tăng trưởng GDP khả quan (Mỹ 2,47%, Anh 2%, Đức 1,49%, Pháp 1,57%), thì GDP của Nhật chỉ tăng trưởng 0,96%.
Nguyên nhân là tỉ lệ đầu tư vào tài sản vô hình/GDP của Nhật Bản thấp hơn các nước còn lại. Giai đoạn 2005-2012, tỉ lệ đầu tư vào tài sản vô hình của Nhật chỉ chiếm 8,2% GDP, trong khi tỉ lệ này ở Hoa kỳ là 16,1%, Anh là 13,8%, Pháp là 15,9% và Đức 9,7%. Tỉ lệ đầu tư vào nguồn nhân lực đặc thù của Nhật Bản cũng ít hơn các nước còn lại.
Tuy vậy, không ít doanh nghiệp Nhật Bản đã thành công trong chiến lược tăng cường tài sản vô hình như Hitachi, Sony, Ricoh, Itochu….
Trường hợp của Hitachi, công ty có 36 vạn nhân viên. Từ 2011, đẩy mạnh cách tân công nghệ mà tiền đề là nguồn nhân lực mới. Công ty tiến hành lập cơ sở dữ liệu của 25 vạn nhân tài toàn cầu, trong đó 500 người thuộc top thế giới để có kế hoạch thu hút nhân tài, đồng thời thiết lập hệ thống đào tạo đặc thù cho nhân lực. Đầu năm 2021, Hitachi đã đào tạo, thu hút 35.000 chuyên gia kỹ thuật số, trong đó kỹ sư dữ liệu lên tới 3.000.
Khi có nguồn nhân lực mới, công ty tiến hành kết nối vạn vật các cơ sở sản xuất và quản lý. Kết quả giảm 20% phí tổn trong công trình thiết kế, giảm 20% trong điều động vật tư, giảm 10% trong chế tạo và giảm 50% thời gian sản xuất sản phẩm. Giá cổ phiếu của công ty cũng tăng dần qua các năm, từ hơn 2.100 Yên (năm 2010) lên hơn 4.000 Yên (năm 2020) và đạt hơn 7.200 Yên (tháng 3/2023).
Quay trở lại với Việt Nam, theo vị giáo sư, nước ta đang là nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam chưa hoàn thành cách mạng công nghệ 3.0 đã phải trực diện với cách mạng công nghệ 4.0 và các trào lưu khác. Để trở thành nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030 và nước thu nhập cao khoảng năm 2045, phải liên tục tăng năng suất, năng lực cạnh tranh trong thời đại mới.
“Khu vực phi chính thức Việt Nam quá lớn, lao động nông nghiệp còn quá nhiều, phải phá vỡ cơ cấu đó để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công nghiệp hóa theo chiều sâu để tăng hàm lượng giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm công nghiệp. Muốn vậy cần phải có chính sách hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp lớn mạnh vì doanh nghiệp mạnh mới có khả năng đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, ngoài việc tăng cường đào tạo thì phải chú trọng đến tái đào tạo cho người lao động vì trong thời đại kỹ thuật số mọi thứ chuyển đổi rất nhanh”, GS. Thọ nói.