Bộ Kế hoạch và Đầu tư: GDP quý III và IV phải đạt 7,5-7,9% để bù quý I
(DNTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc nhắm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong cả năm 2023 là “kịch bản rất thách thức” nhưng vẫn cần phải theo đuổi mục tiêu này. Để được vậy, trong các quý III và IV, GDP phải tăng rất cao để bù quý I thấp.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 diễn ra ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV sẽ phải đạt lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%.
"Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%", ông Dũng cho biết.
Kịch bản 2: Đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%. Để đạt mục tiêu này tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7%; quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2 là phấn đấu GDP cả năm đạt 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 trong khoảng 6,5-7%.
Bộ trưởng Dũng dự báo rằng nền kinh tế sẽ vẫn gặp khó khăn trong quý 2 và đề xuất chính phủ “cần sớm có chính sách hỗ trợ mới về giảm thuế, phí, lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất”.
Cụ thể, theo ông Dũng, hiện nay, hầu hết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Về quan điểm chỉ đạo điều hành quý II/2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nắm chắc tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phối hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách vĩ mô, chủ động ứng phó với các vấn đề mới phát sinh, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Chính sách tiền tệ cần chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Chủ động nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân đổ vỡ của các các ngân hàng tại Mỹ, sáp nhập ngân hàng tại Thụy Sỹ, đánh giá tác động tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nước ta, từ đó chủ động chuẩn bị các nhiệm vụ, giải pháp và kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra.
Chính sách về thương mại tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng mặt hàng, từng thị trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa; Chính sách về đầu tư, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, trong đó trọng tâm là tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở, trực tiếp đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư; tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút FDI.