Chuyên gia: Năm 2024, Việt Nam có rất nhiều động lực tăng trưởng mới để tăng tốc
(DNTO) - Chuyên gia kinh tế cho rằng, để nền kinh tế năm 2024 tăng tốc, ngoài nắm bắt tốt các động lực kinh tế hiện hữu, việc thúc đẩy các cơ chế chính sách nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới là vô cùng quan trọng.
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên với chủ đề: “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”, ngày 11/1, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đã vượt qua một năm khó khăn với mức tăng trưởng 5,05%. Triển vọng đầy hứa hẹn trong năm 2024. Khu vực hóa/phi toàn cầu hóa chuỗi cung ứng – các hoạt động "friend-shoring" sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư (FDI) vào Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB tại Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm 2024. Trong đó, một số động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, thu hút FDI.
"Năm 2024 Việt Nam sẽ nhìn thấy sự cải thiện, đặc biệt trong ngành dệt may, Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu", chuyên gia UOB cho hay.
Đơn cử như năm 2016, 21,6% hàng hoá nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc nhưng đến cuối năm 2023, con số này đã giảm xuống 14,1%. Trong khi đó, Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 1,9% năm 2016 lên 3,3% năm 2023.
"Hiện nay, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh. Tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phỉ đối mặt với già hoá dân số. Cụ thể, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp", chuyên gia UOB khuyến nghị.
Còn theo bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, Việt Nam có thể sẽ có được 2 cơ hội lớn. Thứ nhất, với ngành sản xuất, chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ; chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu đã trở về mức bền vững.
"Chúng ta có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế", bà Minh nhấn mạnh.
Thứ hai, là sự đồng pha giảm lãi suất. Vào tháng 11 vừa, rồi lần đầu tiên số lượng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới giảm lãi suất nhiều hơn các ngân hàng tăng lãi suất. Đây là điều kiện cần thiết. Trong kinh tế, mặt bằng lãi suất là nền tảng cho đầu tư tăng trưởng, Việt Nam đi trước cắt giảm lãi suất nhưng có sự đồng pha của toàn cầu thì quan trọng hơn.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ đang là động lực đóng vai trò rất quan trọng.
“Chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta chuyển đổi số tốt thì giúp cho GDP của chúng ta tăng trưởng hàng năm từ 0,65 đến 1,35%, tức là bình quân 1% tăng trưởng thêm”, ông Lực dẫn chứng.
Tiếp đó, để phát triển tốt, ông Lực cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế. Kinh tế của chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để cải cách rất nhiều về môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt về tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, nếu giải tỏa được cũng đóng góp thêm khoảng 0,2% GDP.
Dẫn chứng nghiên cứu của WB, ông Lực cũng cho rằng nếu Việt Nam làm tốt tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu có thể giúp GDP tăng thêm 1,8 - 2%.
“Nếu chúng ta làm tốt những động lực mới, mỗi năm chúng ta có thể tăng trưởng thêm 1,5 - 2%. Tôi muốn nhấn mạnh chúng ta có thể yên tâm kích cầu phát triển kinh tế mà không cần quá lo lắng về lạm phát”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Lý giải về nhận định này, ông Lực cho rằng lạm phát ở Việt Nam chủ yếu đến từ 2 yếu tố là giá lương thực thực phẩm và giá nhà ở, vật liệu xây dựng. Hai lĩnh vực này chiếm đến 70% chỉ số lạm phát của Việt Nam. Yếu tố thứ ba là xăng dầu, nhưng năm 2023 giá xăng dầu của Việt Nam cơ bản khá là ổn định cho nên giá dịch vụ giao thông năm vừa qua không kích lạm phát của chúng ta lên...
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta có sự đóng góp rất quan trọng của đầu tư công là chính, trong khi đó đầu tư tư nhân còn rất thấp, chỉ đạt 2,7%- đây là mức thấp so với giai đoạn từ 2019-2023. So với giai đoạn trước, năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 là năm dịch Covid bùng nổ nên giảm thấp hơn 1,1 lần, 2021 là 2,6 lần, 2022 là 3,3 lần.
"Rất cần động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư. Qua việc triển khai báo cáo các bộ ngành, thấy rằng các cơ chế chính sách đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều rào cản, chính sách chưa đưa vào thực tiễn được. Do đó, những vướng về Luật Ngân sách, Luật 69 cần được tháo gỡ, được chia sẻ. Kể cả đầu tư công cũng cần được đánh giá, nhìn nhận", ông Hiển nhận định.
Ngoài ra, kích cầu cho tiêu dùng cũng là vấn đề cần bàn thảo, vì chỉ số 9,6% tăng giá bán lẻ rất thấp so với 20% so với năm trước. Đã gần Tết mà chi tiêu mua sắm cũng trầm lắng hơn so với năm trước, trong khi đó tiền gửi tiết kiệm tăng lên 13,5 triệu tỉ đồng. Cần có cơ chế đưa dòng tiền này vào sản xuất, đầu tư để phát triển…