Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng: Có những dự án cần đến 38-40 con dấu
(DNTO) - Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra rằng, thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư có sử dụng đất quá rườm rà và kéo dài đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Vẫn câu chuyện thủ tục hành chính
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024 ngày 9/10, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, thẳng thắn cho biết thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư có sử dụng đất hiện nay như “mê hồn trận” vì quá rườm rà, nặng nề và nan giải.
Theo quy định, thủ tục hành chính đối với các dự án đầu có sử dụng đất là 310 ngày. Tuy nhiên thực tế khi bắt tay vào thực hiện không như vậy, có những dự án, riêng khâu giải phóng mặt bằng đã kéo dài tới 14 năm vì cần tổ chức đối thoại với người dân mới có thể tiến hành cưỡng chế. Điều này không chỉ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp mà còn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
“Trên thực tế, có những dự án cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá. Có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian. Trong số 100 dự án thì cả 100 dự án phải điều chỉnh quy hoạch ở các mức độ khác nhau”, ông Hiệp nói.
Cùng với đó, lĩnh vực bất động sản đang chịu sự điều chỉnh của hơn 15 bộ luật khác nhau, nhưng lại thiếu sự đồng bộ và thống nhất trong thực hiện. Dù Chính phủ đã sửa đổi một số luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, nhưng theo ông Hiệp, quá trình tham vấn và lắng nghe từ phía các cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế, tiếp thu chưa sát vấn đề thực tế.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng thừa nhận trong 3 kỳ đánh giá gần đây của Ban IV về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 những vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải và phản ánh.
Theo bà Thủy, tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết bài toán liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư, bởi "thời gian là tiền bạc, là cơ hội và nguồn lực quan trọng cho doanh nghiệp.
“Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình nên chúng ta nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch”, bà Thủy nhận định.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian đồng thời nên có có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thực tế, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, đặc tính của các thủ tục hành chính là có thời hạn thực hiện, cơ quan đầu mối. Vì vậy nếu vượt quá thời hạn thực hiện thủ tục, cơ quan đầu mối phải có trách nhiệm giải trình.
Các địa phương top đầu về thu hút đầu tư đều có bước kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, cấp dưới chịu trách nhiệm giải trình nếu chậm, muộn. Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, các thủ tục hành chính đều được phân cấp, quyền cho địa phương và có thể giám sát thực hiện thủ tục hành chính này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết mới đây, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền.
“Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao…, Bộ đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc”, bà Ngọc cho biết.