Cảnh giác 'bẫy' tín dụng đen núp bóng công nghệ sau giãn cách
(DNTO) - Thời gian qua, mặc dù Bộ Công an đã tăng cường nhiều đợt tuyên truyền, truy quét các đối tượng cho vay nặng lãi, song với thủ đoạn ngày càng biến đổi tinh vi, những đối tượng này đã dễ dàng đưa "con mồi" sa bẫy tín dụng đen khiến họ tán gia bại sản vì khoản lãi khổng lồ bị cộng dồn mỗi ngày.
Bát nháo tín dụng đen "núp bóng" app cho vay online
Chỉ cần lên mạng gõ thông tin tìm kiếm “vay tiền online”, sau 0,6 giây đã cho ra 170 triệu kết quả với thông tin cho vay tiền bằng lời chào mời hấp dẫn như: “Vay đơn giản chỉ trong vòng 15 phút nhận được tiền”, “vay cấp tốc lãi 0%, không cần thế chấp”… Khi "con mồi" liên hệ vay tiền qua các ứng dụng này rất dễ rơi vào bẫy vay tiền không chỉ với lãi suất cắt cổ, mà còn phải trả những khoản phí vô lý.
Chị P.V.T. (ngụ tại Hải Dương) kể lại, do cần 50 triệu để kinh doanh nên chị lên mạng xã hội tìm các app cho vay tiền nhanh. Sau khi hỏi và hoàn tất thủ tục vay mượn, chị T. nhận được thông báo đã nhập thiếu một số tài khoản nên phải đóng thêm 10% tổng số tiền sẽ vay để làm thủ tục chỉnh sửa thông tin, thấy vô lý nên chị T. không vay nữa. Ngay lập tức, đối tượng lên giọng đe dọa phải trả 5 triệu đồng phí làm hồ sơ, nếu không sẽ đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của chị lên mạng xã hội.
Lo sợ nên chị T. đồng ý vay 50 triệu đồng và trả lãi theo ngày. “Ngày nào không kịp đóng tiền là chúng liên tục gọi điện cho người thân của tôi để đòi nợ. Do đó, tôi phải vay mượn người thân để trả lãi và gốc cho những đối tượng này 100 triệu đồng trong vòng 2 tháng”, chị T cho hay.
Trên thực tế đã có hàng chục nghìn người dính vào bẫy tín dụng đen kiểu này với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng.
Qua công tác nghiệp vụ, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Tiếp nhận: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng.
Theo Trung tá Đỗ Minh Phương, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Covid-19 kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, hệ lụy là nhiều người lao động bị mất việc, giảm thu nhập, khiến nhu cầu vay tiền tăng. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh niên còn vay tiền để tiêu xài cá nhân, thậm chí dùng ma túy, chơi cờ bạc...
“Có cung ắt có cầu”, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… lập các doanh nghiệp núp bóng cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền", ông Phương cho biết.
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính… xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
"Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác", đại diện Bộ Công an thông tin.
Nói thêm về vấn đề này, luật sư Lê Gia Thọ, Văn phòng Luật Thọ Gia và cộng sự cho biết, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi là ‘vay dễ, vay nhanh’, đặc biệt là không cần thế chấp tài sản, nên người vay không quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi vay.
"Khi người vay đồng ý, các đối tượng làm hợp đồng có chữ ký của hai bên và thế chấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, giấy đăng ký xe mô tô, bảo hiểm y tế... Các đối tượng xác định chính xác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và tạm trú của người vay mới lập hợp đồng cho vay, trong hợp đồng không ghi lãi suất mà chỉ ghi lãi suất do hai bên thỏa thuận để tránh việc "dòm ngó" của cơ quan điều tra về hành vi cho vay nặng lãi”, ông Thọ thông tin.
Để tín dụng đen không còn "đất sống"?
Những năm qua, Bộ Công an đã “mạnh tay” với tội phạm tín dụng đen. Với sự vào cuộc quyết liệt, các đối tượng cho vay nặng lãi không dám manh động, lộng hành. Tuy nhiên, hình thức cho vay tín dụng online rất khó để xử lý, nhất là khi bị hại không dám trình báo cơ quan chức năng mà chấp nhận nộp tiền với lãi suất cao hoặc chấp nhận bị “khủng bố” khi rơi vào cảnh chưa trả được nợ. Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo trước các app “tín dụng đen” để bảo vệ bản thân và gia đình.
Đưa ra giải pháp để triệt "đường đi" của tín dụng đen, Trung tá Đỗ Minh Phương cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
"Rà soát nghiêm các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng", ông Phương nhấn mạnh.
Đồng thời, sẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm tín dụng đen trên các phương tiện thông tin đại chúng sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động..., gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể để cảnh báo.
Về phía ngân hàng Nhà nước, tại Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức", theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, cần đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần quan trọng giúp "hạ nhiệt", đẩy lùi tín dụng đen.
"Cùng với đó, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân không phải tìm đến tín dụng đen. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn", ông Tú cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho hay, để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, BIDV đã tập trung hoạt động ngân hàng bán lẻ. Trong 10 năm gần đây, dư nợ bán lẻ của BIDV tăng từ 38.000 tỷ đồng năm 2011 (chiếm 13,3% tổng dư nợ tín dụng BIDV) lên gần 496.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/10 (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 38% tổng dư nợ tín dụng BIDV), tương đương tăng trưởng gấp 12 lần trong 10 năm vừa qua.
“Ngân hàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng ngắn hạn hỗ trợ cho vay khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch; triển khai các gói tín dụng phục vụ các mục đích tiêu dùng, kinh doanh với lãi suất cho vay cạnh tranh”, Tổng giám đốc BIDV cho biết.