Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại ngày càng phức tạp, nhiều yếu tố chưa từng có tiền lệ
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/11/29/huyentrang-085122.jpg)
(DNTO) - Chuyên gia cho biết nhiều quốc gia bắt đầu tiến hành điều tra kép đối với cùng một sản phẩm, phạm vi điều tra mở rộng từ các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đến những sản phẩm có kim ngạch thấp hơn.
![Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng đối diện với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại gia tăng, phức tạp hơn. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/10/phong-ve-thuong-mai-1459.jpg)
Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng đối diện với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại gia tăng, phức tạp hơn. Ảnh: T.L.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2024, số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đã tăng đáng kể, lên tới 28 vụ. Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ chiếm gần một nửa trong tổng số vụ việc bị điều tra.
Không chỉ gia tăng về số lượng, các cuộc điều tra cũng trở nên phức tạp hơn với nhiều yếu tố chưa từng có tiền lệ. Cụ thể, nhiều quốc gia bắt đầu tiến hành điều tra kép đối với cùng một sản phẩm, phạm vi điều tra mở rộng từ các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đến những sản phẩm có kim ngạch thấp hơn.
Bước sang năm 2025, diễn biến kinh tế - thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều biến động, tạo nên bối cảnh mới đối với phòng vệ thương mại. Theo ông Tuấn, nhiều quốc gia có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ mạnh mẽ hơn, với các vụ điều tra ngày càng phức tạp và quy mô mở rộng.
“Một số xu hướng đáng chú ý bao gồm việc siết chặt quy định pháp luật để tăng thuế suất, tận dụng các quy định liên quan đến nền kinh tế phi thị trường hay tình trạng thị trường đặc biệt, đồng thời yêu cầu thủ tục tham gia điều tra khắt khe hơn đối với doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Tuấn nói.
Ví dụ trong ngành thủy sản, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% tổng kim ngạch, đặc biệt là với mặt hàng tôm và cá tra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã liên tục đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trong hơn 20 năm qua.
![Trong 20 năm qua, thủy sản xuất khẩu Việt Nam liên tục đối diện với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: T.L](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/10/cac-tra-xuat-khau-1500.jpeg)
Trong 20 năm qua, thủy sản xuất khẩu Việt Nam liên tục đối diện với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: T.L
“Trong thực tế, các biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu nhắm vào các vấn đề như gian lận xuất xứ, phá giá, hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và lao động”, ông Nam nói và nhấn mạnh rằng cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó và đạt kết quả khả quan trong các vụ kiện.
“Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu để không chỉ vượt qua các rào cản pháp lý mà còn xây dựng uy tín vững chắc với khách hàng và đối tác quốc tế. Đồng thời, việc hợp tác minh bạch với cơ quan điều tra cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đạt kết quả tốt hơn trong các vụ điều tra”, đại diện VSEP nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh nếu doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin và tích cực tham gia quá trình điều tra, mức thuế áp dụng thường sẽ thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
“Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tổn thất mà còn tạo ra lợi thế so sánh trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên đa dạng hóa thị trường và danh mục sản phẩm xuất khẩu để mở rộng cơ hội kinh doanh và giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc vào một thị trường nhất định”, bà Ngọc nói.
Hiện nay, Cục Phòng vệ thương mại đang theo dõi trên 300 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường có tần suất điều tra cao. Ngoài việc tăng cường cảnh báo sớm, Bộ cũng triển khai hàng loạt giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, gần 50% số vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đã được xử lý và kết thúc theo hướng có lợi cho doanh nghiệp trong năm 2024.