Bước đi xuất ngoại của hàng Việt đang chậm lại
(DNTO) - Lượng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 và dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU.
Dòng chảy thương mại chậm dần
“Kể từ khi đại dịch Covid-19 đến nay, hầu như không có đoàn thương mại nào của Việt Nam sang Nga cũng như khối Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU)”, Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh chia sẻ như vậy trong Hội thảo mới đây về việc thương mại hai bên bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột địa chính trị.
Mặc dù căng thẳng chính trị khiến nhiều doanh nghiệp phương Tây rút chân khỏi Nga, để lại khoảng trống thị trường, tuy nhiên vị Tham tán phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga kiêm nhiệm EAEU cũng cho biết doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế này.
Vị này cũng dự báo căng thẳng giữa Nga và phương Tây còn kéo dài, các cấm vận, trừng phạt của phương Tây với Nga khó dỡ bỏ trong thời gian ngắn nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối thị trường này sẽ giảm hoặc tăng trưởng thấp so với các năm trước. Nguyên nhân là xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), như máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, cao su.
Tại khu vực Đông Âu, trong 9 loại trái cây tiềm năng có thuế nhập khẩu 0%, các loại quả như thanh long, bưởi, dừa tươi đã bước đầu xâm nhập thị trường và có mặt trên kênh siêu thị. Các nhà phân phối tại các nước nhập trực tiếp bằng container lạnh theo đường biển từ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc.
Mặc dù các loại quả này của Việt Nam được thị trường đánh giá cao nhất về chất lượng, tuy nhiên theo ông Nguyễn Thành Hải, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, độ tươi, cảm quan của hoa quả Việt còn chưa ổn định. Các loại quả khác như măng cụt, dưa hấu, chuối và hoa quả nhiệt đới, có thế mạnh nhưng chưa xuất hiện nhiều trên thị trường, bị sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước Nam Mỹ (Ecuador, Chi lê) bởi quãng đường vận chuyển ngắn, sản phẩm chất lượng tươi hơn.
Ngoài ra, chứng chỉ của hàng nông sản và thực phẩm Việt Nam phần lớn chưa đáp ứng được các yêu cầu để vào siêu thị EU. Phần lớn hàng hóa Việt xuất vào siêu thị vẫn chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân để đàm phán mức chiết khấu đối với bộ phận thu mua của hệ thống.
Tại khu vực Mỹ - Latinh, bà Sải Thị Thu Thủy, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Chile, cho biết đa phần các siêu thị lớn tại khu vực này lấy theo tiêu chuẩn của siêu thị Walmart (Mỹ). Hiện nhiều siêu thị lớn như Sodimac (Chile), đang nhập nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, muốn tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam như công cụ xây dựng, ván sàn, thiết bị nhà tắm, bếp, cửa sổ, nội thất…Tuy nhiên, hàng Việt sẽ phải cạnh tranh rất lớn về giá cả và thời gian giao hàng.
“Sodimac yêu cầu các nhà cung cấp tìm cách tối ưu hóa chi phí để có thể cạnh tranh tại thị trường địa phương so với các đối thủ như Amazon, Aliexpress.Thời gian giao hàng phù hợp 45 ngày là mục tiêu của chúng tôi để làm việc với Sodimac”, bà Thủy nói.
Khó khăn chồng khó khăn
Báo cáo 11 tháng đầu năm mà Bộ Công thương công bố mới đây cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng từ tháng 10. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 còn 50,6 điểm trong tháng 10.
Kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 11 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD, nhưng chủ yếu xuất siêu vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) 38,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 27,9 tỷ USD.
Bộ Công thương nhận định khó khăn, thách thức với doanh nghiệp còn rất lớn. Đối với sản xuất công nghiệp đang đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng. Doanh nghiệp giảm doanh thu, cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu.
Đối với xuất nhập khẩu, thị trường bị thu hẹp, một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của ta sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; thị trường Châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh..., khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Đặc biệt, hàng Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đông Á… do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng Nhân Dân tệ giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
"Việc lãi suất tăng nhanh, tỷ giá đồng USD tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng khiến chi phí vốn sản xuất tăng. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp hiện khó khăn hơn (lãi suất tăng, điều kiện cho vay khó khăn). Các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư và phục hồi gặp nhiều khó khăn. Quy trình hoàn thuế VAT cho các mặt hàng xuất khẩu như gỗ, cao su…chậm, tạo thách thức lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền…", Bộ Công thương nhận định.