'Rừng chứng chỉ' với 323 loại đang bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu
(DNTO) - Tính tới hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu đang đối diện với 323 loại tiêu chuẩn, chứng chỉ từ các nước nhập khẩu. Xu hướng gia tăng áp dụng chứng chỉ, đặc biệt tiêu chuẩn xanh đang ngày càng nhanh và thắt chặt đã làm tăng áp lực với nhà sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu vì thiếu “xanh”
Thông tin trên được ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết trong Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2022.
Theo ông Vũ Bá Phú, trước đây các tiêu chuẩn bền vững chỉ nhìn thấy ở phân khúc sản phẩm cao cấp hay ở các thị trường khó tính thì hiện nay đã trở thành yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường với các loại hàng hóa nhập khẩu.
Tính đến hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với “rừng chứng chỉ” gồm 323 tiêu chuẩn, chứng chỉ từ các thị trường nhập khẩu. Dự báo việc gia tăng áp dụng các loại chứng chỉ, tiêu chuẩn tự nguyện sẽ ngày càng gia tăng. Với các mặt hàng của các ngành hiện có, một nguy cơ hiện hữu là không thể xuất khẩu các sản phẩm vào các thị trường đang nâng cao tiêu chuẩn xanh, nếu không thể đáp ứng các tiêu chuẩn.
“Thị trường sản phẩm có chứng nhận đã tăng vọt trong 15 năm trở lại đây. Cùng với đó, những năm gần đây, quá trình đưa ra tiêu chuẩn xanh của EU cũng như các nước phát triển diễn ra rất nhanh. Tôi e rằng trong 5 năm nữa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất khẩu hàng hóa sẽ không thể xuất khẩu nếu không tuân thủ tiêu chuẩn xanh”, ông Vũ Bá Phú bày tỏ.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP HCM cũng thông tin, trong ngành dệt may, một nhóm ngành buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn “xanh hóa”, hiện có từ 75 đến 96 tiêu chí đánh giá của các nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc… với dệt may Việt Nam, nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được điều này.
“Cách đây khoảng 1 tháng, khi tôi tham gia hội thảo với các chuyên gia từ Tổ chức Kinh tế thế giới và Quỹ Ellen MacArthu, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ có 5% doanh nghiệp dệt may Việt Nam có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn bền vững của thị trường châu Âu”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho biết.
Gánh nặng chi phí đè nặng
Theo ông Vũ Bá Phú, có 2 thông tin đang trở thành đề tài nóng hổi của các doanh nghiệp châu Âu trong những ngày gần đây.
Trước đó, từ năm 2014, châu Âu có Đạo luật báo cáo nội dung phi tài chính, được sửa đổi dần từ sau Thỏa thuận EU xanh ra đời, áp dụng cho các công ty lớn. Ước tính, 11.700 công ty châu Âu phải công bố thông tin về chuỗi cung ứng sản xuất.
Thế nhưng, tháng 11/2021, châu Âu ban hành quy định chống nhập khẩu sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng. Đầu năm nay, châu Âu thông qua đề xuất mở rộng luật này và ngày 10/11/2022, EU ban hành Luật Báo cáo bền vững của các công ty châu Âu. Các quy định này ước tính sẽ tác động tới 50.000 doanh nghiệp châu Âu.
Do đó, những công ty như Nike, Adidas, Nestle… đang có chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa ở châu Âu nhưng nhập khẩu từ các nước đang phát triển như Việt Nam và các nước ở châu Á, châu Phi, họ cũng phải có trách nhiệm giải trình và kéo theo là chi phí tuân thủ quy định sẽ tăng rất cao.
“Một số báo cáo trước mắt cho rằng, những công ty chưa có hệ thống kiểm tra, kiểm soát và tự báo cáo thì họ sẽ sử dụng tối đa các loại chứng chỉ tiêu chuẩn đảm bảo sự minh bạch và có hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ nhất. Nhưng với trên 300 tiêu chuẩn, chứng nhận các loại mà nước nhập khẩu đặt ra, thậm chí các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển muốn tuân thủ nhưng không biết lựa chọn tiêu chuẩn nào trong “rừng chứng chỉ” đó. Chưa kể chi phí sẽ gia tăng vì chứng chỉ hữu cơ là một loại, trách nhiệm xã hội, lao động là một loại chứng chỉ”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mà Vụ trưởng Vụ Xúc tiến thương mại chỉ ra là đa số doanh nghiệp xuất khẩu quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, chưa có thói quen trả phí dịch vụ cho việc tư vấn, vẫn trông chờ trợ cấp. Trong khi đó, các cơ quan xúc tiến thương mại ở địa phương hay các hiệp hội vẫn chưa thực sự hoàn thiện, chưa đủ năng lực và dành nguồn lực để tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Bài toán đặt ra hiện nay cho doanh nghiệp và cũng là thách thức của cơ quan xúc tiến thương mại hiện nay là làm thế nào để các nhà xuất khẩu của Việt Nam có thể nhanh chóng đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, có được lợi thế cạnh tranh trước khi các quốc gia xuất khẩu khác vượt lên trước.
“Cần có chiến lược định vị Việt Nam trở thành ‘nguồn cung xanh’ của thế giới để biến thách thức thành cơ hội thông qua việc hình thành hệ thống quy định pháp luật, các bộ tiêu chuẩn xanh. Trong đó, nhóm hàng nông lâm thủy sản chú ý đến các quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, chống phá rừng, sau đó là nhóm hàng chế biến là các quy định về trách nhiệm xã hội”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.