'Suy nghĩ như một nhà thiết kế' - Con đường chinh phục thị trường của một doanh nghiệp ngoại
(DNTO) - Không phải bắt đầu từ 'giải pháp' mà chính là sự 'thấu hiểu', mang "tư duy thiết kế" vào những hoạt động chuyển đổi số, con đường khẳng định chính mình của Heineken Việt Nam.
Chuyển đổi số, câu chuyện không còn mới với các doanh nghiệp sau giai đoạn đại dịch Covid-19. Với Heineken cũng vậy, "kỹ thuật số và công nghệ" được xác định là "chiến lược và ưu tiên", có quyết định sống còn với doanh nghiệp trong bối cảnh ngành đồ uống trong nước đang gặp khó.
Chia sẻ tại một hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, ông Nguyễn Văn Việt, đã tiết lộ những con số không vui của ngành. Tính riêng năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành có chiều hướng xấu đi, thị trường tiêu thụ giảm 20%-30%, doanh thu toàn ngành giảm tới 16% so với năm 2019.
Năm 2022, cuộc chiến Nga-Ukraine đây gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, theo đó, giá đại mạc, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bia, tăng 40-50%, các nguyên liệu khác như vỏ lon, vỏ hộp, phụ liệu hóa chất... tăng trung bình từ 15%-35%. Cộng thêm hai năm vừa qua do tác động dịch bệnh, yêu cầu cấm đồ uống có cồn với người điều khiển phương tiện giao thông, khó khăn với các doanh nghiệp đồ uống như Heineken không có gì khó hiểu.
Vậy giải pháp của doanh nghiệp là gì? Không phải bắt đầu từ khâu "giải pháp" của tư duy truyền thống để ứng phó với thực trạng trên, Heineken bắt đầu bằng "tư duy thiết kế", với 3 bước cơ bản: thấu hiểu, khám phá và định hình, làm tiền đề cho bước đi chuyển đổi số trong hành trình phát triển của doanh nghiệp.
Sự "thấu hiểu" được bắt đầu từ chính nhân viên nội bộ công ty với giải pháp số hóa ‘không giấy tờ’ trong hành chính (Paperless), tiếp đó là thành phần trong khâu phân phối sản phẩm như người tiêu dùng, các cửa hàng đại lý, phân phối... bằng các ứng dụng trên nền tảng thương mại điện tử như HVN Đặt Hàng, Mua Ngay 2.0. Chú trọng đặt họ ở vị trí trung tâm, hiểu khó khăn, vướng mắc của chính họ để xây dựng ứng dụng, từ đó doanh nghiệp đẩy mạnh đầu ra và nâng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Thông tin từ tập đoàn này cho biết, giải pháp Paperless đã giúp doanh nghiệp có tới 200.000 bộ văn bản được ký “sống” mỗi năm giờ đã tiết kiệm được 10.000 giờ thao tác, 5 tỷ đồng chi phí lưu kho, gửi thư và 1.000 cây xanh để sản lượng giấy tờ sử dụng.
HVN Đặt Hàng đã trở thành nền tảng thương mại điện tử dễ sử dụng, nhanh chóng, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp, tiểu thương Việt Nam, giúp kết nối nhà phân phối, đại lý với các cửa hàng tiêu thụ. Với HVN Đặt Hàng, cùng 48 tính năng được phát triển để đưa ra thị trường, Heineken mang về 277 triệu euro, 10% nguồn lực được tiết kiệm dành cho tái đầu tư.
Trong khi đó, ứng dụng Mua Ngay lại tập trung kết nối giữa người tiêu dùng và các cửa hàng phân phối. Ứng dụng được tích hợp qua zalo nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, phù hợp với xu hướng hiện đại. Thay đổi liên tục và không ngừng cải tiến là điều mà người dùng cảm nhận rõ tại ứng dụng này, cũng chính là cách thức Heineken thích nghi với thị trường.
"Phát triển bền vững và có trách nhiệm sẽ luôn là kim chỉ nam cho mọi quyết định của chúng tôi", Tổng Giám đốc điều hành Heiniken Việt Nam, ông Alexander Koch, cho biết. Ông cũng chia sẻ thêm: "Thành công của chúng tôi đến từ việc không ngừng đổi mới và sáng tạo, nhưng sự tăng trưởng của công ty luôn gắn chặt với tham vọng phát triển bền vững".
Năm 2021, Heiniken được biết đến là doanh nghiệp ủng hộ gần 9 tỷ đồng cho các chương trình hỗ trợ phòng chống Covid-19; tạo ra hơn 150 ngàn việc làm cho người dân trong nước và đóng góp khoảng 0,7% GDP.