Biến đổi khí hậu toàn cầu, nhóm cổ phiếu xanh 'lên hương'
(DNTO) - Khi tin tức về hiện tượng khí hậu nóng lên toàn cầu càng nổi sóng, nhóm cổ phiếu xanh – cổ phiếu của những công ty sản xuất có lượng khí thải carbon tương đối thấp, càng chiếm lĩnh thị trường về giá trị.
Khi mức độ bao phủ của hiện tượng nóng lên toàn cầu tăng đột biến, thị trường cũng chao đảo theo theo hai chiều tốt, xấu: những tin tức không hay về biến đổi khí hậu càng đến dồn dập, các nhóm cổ phiếu của những công ty sản xuất có lượng khí thải carbon tương đối thấp lại hân hoan ra mặt. Ngoài lợi nhuận, những nhà đầu tư dạng này còn được tự hào vì mình đang sở hữu những “cổ phiếu xanh”, tiền đề dẫn đến tăng trưởng xanh.
Dù vẫn chưa rõ hội nghị Liên hợp quốc vừa diễn ra ở Glasgow, COP 26, luận bàn về việc giảm thiểu những tác động nguy hiểm nhất của sự nóng lên toàn cầu đạt hiệu quả ra sao, nhưng dựa vào số lượng bài báo về biến đổi khí hậu càng tràn ngập truyền thông, các cổ phiếu nâu của những công ty thải ra lượng lớn khí nhà kính càng phải đối mặt sóng gió.
Nhiều tài liệu nghiên cứu gần đây của các chuyên gia kinh tế cho thấy, khi lượng công chúng tiếp xúc sát sườn với thông tin về biến đổi khí hậu tăng đột xuất, gu đầu tư của dân kinh doanh cũng thay đổi khiến hoạt động của các ngành trên thị trường chứng khoán cũng biến thiên. Rõ ràng là tin tức tiêu cực về biến đổi khí hậu đang có xu hướng nâng cao mối quan tâm của công chúng về tương lai của hành tinh. Hai động thái trái chiều này đã làm tăng giá của những “công ty xanh” và gây tổn hại cho các doanh nghiệp sản xuất phát thải nhiều carbon dioxide, methane và các khí nhà kính khác.
Hệ quả là các công ty xanh dễ dàng huy động tiền từ cộng đồng vốn để đầu tư cho các dự án hữu ích với môi trường. Trong thời gian từ tháng 11/2012 đến tháng 12/2020, mức độ bao phủ ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đã góp phần vào khoảng cách biệt rõ nét về giá trị giữa hai loại cổ phiếu đối màu, xanh và nâu. Những công ty nhấn mạnh đến yếu tố trân trọng môi trường, phần lớn đã có lợi nhuận cao hơn so với tổng thể thị trường.
Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) từng nhận định, trái phiếu, cổ phiếu xanh sẽ dẫn đến tăng trường xanh, tạo ra xu hướng chiến lược mới để một quốc gia đạt được phát triển bền vững. Nghĩa là, kế hoạch tăng trưởng GDP của một đất nước cần đáp ứng đòi hỏi duy trì, khôi phục chất lượng và tính toàn vẹn của hệ sinh thái, thỏa mãn nhu cầu của tất cả công dân nhưng lại tác động đến môi trường ở mức thấp nhất có thể.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2009, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trên thị trường tài chính như một điều kiện quan trọng đối với phát triển bền vững nền kinh tế. Thế nên, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, đạt được tăng trưởng xanh qua những cổ phiếu xanh phải là đạt được hiệu quả trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa tác động ô nhiễm, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên để phòng ngừa thiên tai.
Khuynh hướng tích cực này ngày đang tăng dần theo lượng tin tiêu cực về biến đổi khí hậu toàn cầu. Gần đây nhất, theo báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Climate Bonds Initiative, năm 2013 giá trị phát hành của cổ, trái phiếu xanh toàn cầu đạt 11,4 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm trước. Còn năm 2017 đạt 155,5 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2016, trong đó, ba thị trường dẫn đầu là Mỹ, Trung Quốc và Pháp, chiếm 56% tổng giá trị phát hành.