7 năm chờ ‘trái ngọt’ từ FTA với Israel

(DNTO) - Việt Nam đã thành công có thêm cánh cửa mở rộng thị trường xuất nhập khẩu sang Israel, sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Israel hoàn tất. Nhưng để tận dụng tối đa ưu đãi từ FTA này thì đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.

Israel với thu nhập bình quân đầu người cao (năm 2022 đạt xấp xỉ 55.000 USD) và kim ngạch nhập khẩu lớn (25 tỷ USD mỗi năm), là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: T.L.
“Cửa nhà” đã mở
Sau 7 năm với 12 phiên đàm phán, ngày 02/4/2023, Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước (VIFTA) chính thức kết thúc đàm phán. Dự kiến, VIFTA sẽ được ký kết trong năm nay và sớm đưa vào thực thi để thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai bên.
Thành quả này có được nhờ quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo, cơ quan đàm phán hai bên, từ nghiên cứu, xác định quy mô Hiệp định, cũng như tiến hành rất nhiều phiên đàm phán chính thức và các phiên họp kỹ thuật để giải quyết các nội dung đàm phán phức tạp. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, hai bên đã nỗ lực duy trì các cuộc đàm phán thông qua trực tuyến, email, công hàm… để tiến trình đàm phán không bị gián đoạn.
Với VIFTA, Israel cam kết bỏ 92,7% số dòng thuế quan, trong đó xoá bỏ ngay 66,3% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xoá bỏ 26,4% số dòng thuế sau lộ trình từ 3 đến 10 năm. Một số mặt hàng nông sản như: trứng, thịt, cá ngừ, cà rốt, khoai tây, mật ong, nấm … với thuế suất trong hạn ngạch là 0%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam mở cửa thêm cho Israel một số lĩnh vực như: bán lẻ, cho thuê máy móc, dịch vụ quảng cáo ....
Hiện Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại hai bên tăng trưởng tích cực, từ 1,1 tỷ USD năm 2018, tăng gấp đôi lên 2,2 tỷ USD năm 2022.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), Việt Nam đang trở thành một trong những “công xưởng” sản xuất lương thực, thực phẩm, đồ uống, giày dép… lớn của thế giới, đã tiếp cận nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc… Do vậy, tại thị trường Israel với thu nhập bình quân đầu người cao (năm 2022 đạt xấp xỉ 55.000 USD) và kim ngạch nhập khẩu lớn (25 tỷ USD mỗi năm), là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài các ưu đãi về thuế quan, VIFTA sẽ có nhiều cam kết về tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm, hải quan… giúp các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu hai nước thuận lợi thâm nhập thị trường. Theo ông Thái, đây là một trợ lực lớn nên doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như kế hoạch để tìm hiểu về Hiệp định.
Chuẩn bị “ngựa”, “xe” cẩn thận

Ngành sản xuất Việt Nam phải tiếp tục tăng giá trị cho các sản phẩm để thuận lợi thâm nhập thêm nhiều thị trường ngách. Ảnh: T.L.
Hiện Việt Nam đã có 15 FTA cả song phương và nhiều bên với nhiều đối tác hàng đầu thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam trong những năm qua. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, khả năng tận dụng FTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp so với tiềm năng.
Một khảo sát của VCCI trong giai đoạn 2020-2022 về mức độ tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), một Hiệp định được ví như “đường cao tốc” vào EU, cho thấy có tới 69% doanh nghiệp không có bất kỳ giao dịch nào với đối tác EU trong 2 năm này.
Ngoài nguyên nhân khách quan như nội dung khó, nhiều cam kết và lộ trình thực thi dài, thì có nhiều nguyên nhân chủ quan khác là doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về hiệp định. Có tới 24% doanh nghiệp nói rằng họ không biết có lợi ích nào từ EVFTA để tận dụng.
Quay trở lại với FTA giữa Việt Nam và Israel, việc mở cửa một thị trường mới là hướng đi rất phù hợp với yêu cầu đa dạng hóa thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một số đối tác thương mại nhất định. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa ưu đãi từ Hiệp định này, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nỗ lực rất lớn.
Lấy ví dụ từ ngành rau củ quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, để xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường ngách, doanh nghiệp phải có công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại. Do thị trường ngách có khoảng cách khá xa với các cảng biển mà Việt Nam đang khai thác.
“Ví dụ trái thanh long chúng ta mới bảo quản được từ 35 - 40 ngày. Cảng Thượng Hải nhập khẩu và cũng chỉ tiêu thụ ở các khu vực xung quanh cảng. Nếu muốn tới thị trường xa hơn, bắt buộc thanh long phải bảo quản được ít nhất 60 ngày”, ông Nguyên nói.
Ngoài những lợi thế, theo ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, tuy là thị trường ngách nhưng Israel cũng không phải thị trường dễ tính vì nước này cũng áp dụng các tiêu chuẩn của EU, Mỹ để kiểm soát sản phẩm hàng hóa. Do vậy, các doanh nghiệp buộc phải nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu.
Là đất nước đa sắc tộc nên Israel cũng có đa dạng các tiêu chuẩn nhập khẩu. Ví dụ các doanh nghiệp người Do Thái thường yêu cầu phải có chứng nhận Kosher với các nhà xuất khẩu, các doanh nghiệp người Ả Rập lại yêu cầu chứng nhận Halal với một số nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.
“Đối tác Israel thường giao dịch nhanh và luôn chủ động tìm kiếm bạn hàng, vì vậy doanh nghiệp Việt cần trả lời nhanh chóng các giao dịch với họ”, ông Hòa khuyến nghị.
Ông Lương Hoàng Thái cũng cho biết, người tiêu dùng Israel thường muốn mua hàng đã qua chế biến, đóng gói sẵn, có thể sử dụng ngay, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ thị hiếu tiêu dùng và tìm hiểu thêm về các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), về dán nhãn, đóng gói… để thuận lợi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Israel.