Ông Hoàng Bình Quân: Chúng ta phải vượt qua hình ảnh của ‘doanh nghiệp làng’
(DNTO) - Ông Hoàng Bình Quân, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch danh dự Hội Doanh Nhân trẻ Việt Nam, cho rằng hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay buộc doanh nghiệp phải thay đổi cơ bản về quản trị và quy trình sản xuất, nếu không doanh nghiệp sẽ bị đào thải.
Ông Hoàng Bình Quân cho biết, từ năm 2001 đến nay, hội nhập kinh tế quốc tế được Đảng, Nhà nước, Chính phủ xác định là trọng tâm trọng điểm, các hội nhập khác phải phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế là tự do hóa và mở cửa nền kinh tế. Đây là quá trình gắn kết nền kinh tế nước này với nước khác, trên cơ sở tôn trọng lợi ích, pháp luật và chuẩn mực quốc tế.
“Hội nhập kinh tế quốc tế không phải là sự lựa chọn mà là trách nhiệm, nhất là nước đang phát triển như Việt Nam, muốn đi tắt đón đầu. Giống như con tàu, khi tất cả mọi người lên tàu, nếu ai đó chần chừ thì xác định ở lại sân ga”, ông Quân nói.
Hiện nay, độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn nhất khu vực ASEAN, lớn hơn nhiều một số quốc gia khu vực Đông Á. Năm 2007, sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 190 nước, 230 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của hơn 70 tổ chức khu vực và thế giới. Việt Nam hiện là đối tác chiến lược với 16 nước và đối tác toàn diện với 14 nước, trong đó hợp tác đầy đủ các nước Thường trực Bảo an Liên Hợp quốc, 13 nước trong khối G20 và các nước trong khối G7.
Đặc biệt, Việt Nam đã kí kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và quốc tế, trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Các FTA truyền thống chủ yếu nói về thuế suất và các rào cản kỹ thuật để tiến tới tự do hóa không gian đầu tư. Các FTA thế hệ mới mở rộng các lĩnh vực. Hiện nay, các đối tác trực tiếp kiểm tra quy trình sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam có đáp ứng tiêu chuẩn an toàn lao động, trách nhiệm xã hội hay không… Nếu doanh nghiệp không ý thức được điều này sẽ tự đánh mất đơn hàng.
“Việt Nam hầu hết đã chơi với các ông lớn, quan trọng chúng ta chơi như thế nào thôi. Hội nhập kinh tế quốc tế có rất nhiều cơ hội, thách thức nhưng cũng là quá trình đào thải tự nhiên. Nếu doanh nghiệp không thích ứng, không thể tham gia chuỗi và đáp ứng quy chuẩn thị trường thì sẽ tự đào thải”, ông Quân nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, hiện 70% xuất khẩu của nước ta vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, họ chỉ cần thay đổi kế hoạch sản xuất, nền kinh tế Việt Nam có thể “phát sốt”. Khó khăn lớn nhất và lâu dài nhất mà Việt Nam phải đương đầu là khoảng 95% các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trình độ quản lý và công nghệ thấp, thậm chí lạc hậu, đặc biệt là quản trị. Nếu chúng ta vẫn dùng cách quản trị bất biến thì khó tồn tại.
Đặc biệt, sau khi ký các FTA thế hệ mới, điều quan trọng là làm cho người dân, doanh nghiệp nắm được. Nhưng theo một khảo sát cho thấy, chỉ có 25% doanh nghiệp biết về các FTA. Nếu vào sân chơi mà chúng ta không hiểu thì không chơi được. Chỉ có 40% tranh thủ được FTA, trong đó 70% là các doanh nghiệp FDI, còn tỉ lệ doanh nghiệp Việt nắm được rất nhỏ.
“Một trong những lý do thành công của người Nhật chính là sự cầu thị. Họ học hỏi thiên hạ từng li từng tí, mặc dù họ rất giỏi. Khi thế chiến thứ II kết thúc, nước Nhật rất nghèo, nhưng chỉ sau một thời gian, nước Nhật bừng dậy. Họ nói rằng họ thua trận nên xấu hổ, họ lặng lẽ đi, chỗ nào gập ghềnh, có đá sỏi thì chúng tôi tránh.
Tôi sang Malaysia, họ nói rằng lao động Việt Nam thông minh, tiếp thu nhanh nhưng không nắm cái gì vững, rất qua loa. Tới đây, chúng ta tranh thủ mở rộng thị trường xuất khẩu để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm gia công, nâng tầm doanh nghiệp. Áp lực ở đây là rất lớn nhưng là áp lực tích cực chứ không phải đè chết doanh nghiệp”, ông Quân nói.
Chia sẻ bài học với các doanh nghiệp, ông Hoàng Bình Quân cho biết các doanh nghiệp phải có kiến thức, hiểu biết cơ bản về các quy định trong FTA. Cần nhận thức đúng vai trò chủ thể trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phải luôn cập nhật tình hình của thị trường để sớm chủ động có các biện pháp phòng vệ thương mại. Phải có những thay đổi táo bạo để trở thành doanh nghiệp toàn cầu.
“Muốn chơi phải biết sân chơi và hiểu luật chơi. Tôi tin khi hỏi một doanh nhân về CPTPP, chắc chắn họ sẽ rất lúng túng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động không hề có luật sư hỗ trợ là khá nguy hiểm. Chúng ta phải vượt qua hình ảnh của ‘doanh nghiệp làng’, như vậy mới vào được các chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp chúng ta là một ngôi nhà, là người một nhà, cần biết yêu thương và phát triển. Cùng một công việc, một dự án, nếu xêm xêm nhau thì hãy tạo cơ hội cho nhau”, ông Quân nhắn nhủ cộng đồng doanh nhân trẻ.