Tri thức là sức mạnh giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế xuất nhập khẩu giai đoạn mới
(DNTO) - Để "cứu" những đơn hàng đang sụt giảm và có thể tận dụng tối đa các ưu đãi đặc biệt tại các biểu thuế xuất nhập khẩu, trước hết, doanh nghiệp phải có năng lực tham gia vào quá trình hoàn thiện thể chế, phải nắm vững các quy định để được hưởng những ưu đãi.
Tại Tọa đàm “Tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế xuất nhập khẩu trong các FTA để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 7/3, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), nhận định: Trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp và có nhiều biến động thì việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, nên bất kỳ lợi thế nào dù nhỏ nhất cũng mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp.
“Mặc dù mỗi FTA có biểu thuế xuất khẩu ưu đãi hoặc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt riêng đều là một con đường ưu tiên để doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa với đối tác, càng nhiều hiệp định thương mại từ doanh nghiệp càng có nhiều lựa chọn, vấn đề là doanh nghiệp phải lựa chọn con đường thích hợp nhất bởi mỗi con đường có những yêu cầu riêng và quy định riêng”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ tài chính cho hay, hoạt động kinh tế luôn luôn vận động, tạo ra yêu cầu sửa đổi đối với danh mục thực hiện phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (HS của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và Danh mục AHTN của ASEAN được định kỳ sửa đổi theo lộ trình 5 năm một lần.
Ông Tuấn Anh cho hay, theo thực tiễn trên thế giới, một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada..., thuế suất được cập nhật hàng năm, tuy nhiên, để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các biểu thuế với lộ trình 5 năm tương ứng theo HS/AHTN cùng với đó là duy trì ổn định các điều kiện hưởng ưu đãi đảm bảo tính thống nhất, dễ theo dõi, thực thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
“Bên cạnh đó, các văn bản cũng đảm bảo được lộ trình xử lý các yêu cầu cập nhật, bổ sung và nâng cấp các hiệp định để tránh phát sinh các vướng mắc trong thực thi”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành 17 Nghị định quy định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện các FTA, hiệp định đối tác kinh tế trong giai đoạn 2022-2027 được kỳ vọng là sẽ tiếp tục tạo thuận lợi, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới...
Để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các ưu đãi đặc biệt tại các biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, trước hết, qua điều tra thì thấy hạn chế lớn nhất của việc tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế của các hiệp định FTA chính là vấn đề về nhận thức, vấn đề về năng lực tiếp cận thông tin và năng lực phân tích thông tin của các đối tượng có khả năng thu lợi.
“Đối với doanh nghiệp thì tri thức là sức mạnh, là cơ sở để tạo nên khả năng cạnh tranh, do đó bản thân các doanh nghiệp phải tận dụng được những cơ hội tiếp cận với những thông tin, đặc biệt là quyền được đóng góp ý kiến với các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Phạm Tuấn Anh khuyến nghị.
Đồng thời nhấn mạnh: "Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực hiểu biết và có quyền tác động tới chính sách phục vụ mình. Do đó, doanh nghiệp phải có năng lực tham gia vào quá trình hoàn thiện thể chế, phải nắm vững các quy định để được hưởng những ưu đãi mà mình có thể hưởng...".
Về phía cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhấn mạnh đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục, sửa đổi các quy định liên quan theo hướng tạo thuận lợi, đơn giản hóa quy trình thủ tục, điện tử hóa các thủ tục để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bà Trang cho biết, theo khảo sát về sự hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục thuế và hải quan, vẫn còn không ít doanh nghiệp ca thán bị gây khó, nên các cơ quan chức năng phải tiếp tục có những sửa đổi văn bản pháp luật để từng thủ tục có điều chỉnh cho thuận tiện hơn; đồng thời phải thường xuyên có kiểm tra giám sát để các ưu đãi được thực hiện đúng, doanh nghiệp thực sự được hưởng những ưu đãi liên quan.
Đặc biệt, riêng về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, bà Trang nhấn mạnh nêu vấn đề về thay đổi tư duy trong quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu.
“Lâu nay, do giữ quan điểm “xuất khẩu thắng, nhập khẩu thua” nên không thúc đẩy tận dụng ưu đãi cho nhập khẩu nhiều. Tuy nhiên, với 70-80% nguyên liệu phải nhập khẩu thì việc tận dụng ưu đãi nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí đầu vào, giúp sản xuất cho xuất khẩu tốt hơn, tạo lợi thế cạnh tranh. Do đó, các cơ quan quản lý cần thay đổi quan điểm, cùng phối hợp để giúp doanh nghiệp nâng cao mức độ tận dụng các ưu đãi thuế quan về xuất nhập khẩu”, bà Trang nêu rõ.