Tín dụng tăng 6,92%, ngân hàng đã mềm mỏng hơn trong việc chữa bệnh thừa tiền
(DNTO) - Với nhiều nỗ lực, đến ngày 29/9 tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 6,92%. Như vậy, so với số liệu công bố vào ngày 15/9, tín dụng đã tăng thêm 1,36%. Đây là điểm tích cực đáng ghi nhận, nhất là khi tín dụng đang ngày càng chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.
Kết thúc quý 3, bức tranh chung của toàn ngành ngân hàng vẫn chưa thực sự sáng màu khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp, ngày 4/10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, cho hay tính đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%.
Như vậy, so với số liệu công bố vào ngày 15/9, tín dụng đã tăng thêm 1,36%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm so với cùng kỳ năm ngoái và các năm, song điểm tích cực là tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước và tín dụng các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.
Cụ thể, đến 31/7, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 335 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,69%, tăng 13,47% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 44,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 16,09% so với cuối năm 2022...
Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết từ đầu năm đến nay, lãi suất trên thế giới có xu hướng tăng, song NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, NHNN phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022). Các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, Phó Thống đốc khẳng định: Việc mở rộng tín dụng đã được NHNN đặt ra ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Bởi nếu không đẩy mạnh tăng cường nguồn lực hỗ trợ, để doanh nghiệp khó khăn, đóng cửa, giải thể, làm sao có sức mạnh khôi phục được nền kinh tế sau 2 năm đại dịch cộng với tác động kép từ tình hình thế giới và trong nước.
Vì vậy, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Cụ thể như tạo thanh khoản và dư địa cho ngân hàng. “Không có chuyện thiếu room tín dụng, ngân hàng thoải mái trong nguồn lực cho vay. NHNN cũng tạo nguồn lực giá rẻ cho ngân hàng thương mại hạ lãi suất. 1 tháng gần đây là các ngân hàng đã đua nhau hạ lãi suất” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cùng với đó là NHNN rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật tạo dư địa pháp lý cho các tổ chức tín dụng cung ứng sản phẩm mới, tạo thêm cạnh tranh, điều kiện cho vay nhiều hơn, đồng thời cũng tạo thêm điều kiện buộc các ngân hàng thương mại phải tính đến câu chuyện giữ khách hàng và hạ lãi suất; Cho phép tái cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn nếu còn khó khăn...
Nhiều tín hiệu tích cực "thúc" tăng trưởng
Lạc quan vào vào yếu tố thời vụ của 3 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, với các yếu tố như nền kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, lãi suất tiếp tục giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
“Kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây thường có xu hướng "lội ngược dòng" vào quý III/2023 và tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm luôn cao gấp đôi 6 tháng đầu năm. Dù tăng trưởng tín dụng chỉ sụt giảm trong tháng 7, nhưng sang tháng 8, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã phục hồi khá tốt và dự báo có thể giữ đà này đến các tháng cuối năm khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm và lượng đơn hàng có phần cải thiện”, bà Hồng nhận định.
Cùng với đó, một số gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai tích cực. Ví dụ như gói tín dụng cho lĩnh vực thủy sản 15.000 tỷ đồng triển khai từ giữa tháng 7 đến nay đạt khoảng 5.500 tỷ đồng; Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã có 40 dự án được công bố, tổng nhu cầu vay khoảng 16.000 tỷ đồng và các ngân hàng giải ngân khoảng gần 90 tỷ đồng.
"Nếu trong kỳ họp tháng 10 này, Quốc hội phê chuẩn Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp được mua nhà ở cho công nhân thì khả năng nhu cầu vay vốn từ gói này sẽ tăng lên", Thống đốc nhìn nhận.
Kỳ vọng của NHNN về thị trường bất động sản khởi sắc sẽ trở thành động lực cho tăng trưởng tín dụng là hoàn toàn có cơ sở. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định, thời gian qua, loạt chính sách đang có tác động mạnh tới thị trường nhà đất.
Điển hình như chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. NHNN cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đang giảm dần. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực hiện như cơ cấu nợ, đảo nợ…
“Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản. Đặc biệt, dòng vốn vào thị trường bất động sản vẫn đang chảy đều. Tín dụng cho bất động sản vẫn tăng gần 5%, tương đương với mức tăng cho toàn hệ thống kinh tế, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 18%; tín dụng nhà ở tăng thấp, thậm chí giảm, chứng tỏ nhu cầu thực giảm do thu nhập giảm, người dân thận trọng hơn”, ông Lực khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, các chính sách gỡ vướng được đẩy nhanh sẽ giúp dòng vốn cho thị trường bất động sản và đặc biệt là phân khúc cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thực sẽ “dễ thở” hơn trong thời gian tới.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, với hai gói tín dụng chuyên đề của Chính phủ là gói 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở xã hội, và gói 15.000 tỷ đồng cho kinh doanh thủy sản mới được áp dụng hồi cuối tháng 7, nếu dùng hết, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại sẵn sàng cung ứng để giải quyết những khó khăn trước mắt cho 2 lĩnh vực này.
"Với các giải pháp đang triển khai, kỳ vọng tín dụng trong 3 tháng cuối năm sẽ nhuận sắc trở lại như kỳ vọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Để thúc tín dụng, Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.