Thủ tướng: Cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
(DNTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhằm tháo gỡ khó khăn để mở rộng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cần đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; tăng khả năng tiếp cận tín dụng; thực sự đồng hành với doanh nghiệp và người dân.
Ngày 4/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới cần chủ động rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, nhất là những đề án, nhiệm vụ chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện. Nghiên cứu, lựa chọn các nội dung, vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết, liên quan đến lĩnh vực của bộ, cơ quan, địa phương để đề xuất, đăng ký đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng năm 2024.
Để tiếp tục phục vụ tốt nhất Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành theo sát tình hình, chủ động chuẩn bị kỹ các nội dung thuộc lĩnh vực theo dõi để sẵn sàng báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi. Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước, có các giải pháp đột phá, tạo thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công tư), trong đó đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, có quy mô lớn, công nghệ cao.
Về xuất khẩu, Thủ tướng nhấn mạnh cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...
Về tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; thực hiện kích cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu…
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung tháo gỡ khó khăn để mở rộng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo việc làm, sinh kế cho người dân thông qua 6 giải pháp: Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, pháp lý; mở rộng thị trường cho các mặt hàng thế mạnh; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai; tăng khả năng tiếp cận tín dụng; thực sự đồng hành với doanh nghiệp và người dân.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch, phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) và kiểm soát giá nguyên vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc. Khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, phấn đấu cơ bản phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023...
Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng (điện, xăng dầu), khẩn trương áp dụng hóa đơn điện tử với bán lẻ xăng dầu; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU để gỡ thẻ vàng của EU.
Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…); đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh...).
Tích cực phục hồi, phát triển các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 08 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Kịp thời, chủ động báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tiếp tục ổn định và phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp...
Cùng với đó, cần giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy nhanh điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm ma túy, "tín dụng đen"…