Chính sách hỗ trợ thuế, phí: Quy định thiếu rõ ràng là 'lỗ hổng' lớn nhất giảm hiệu quả tác động
(DNTO) - Mặc dù có quy mô hỗ trợ "khủng", nhưng chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí lại chỉ nhận được 37,8% doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả cao. Nguyên nhân chính là không rõ ràng về đối tượng thụ hưởng cũng như trong các hướng dẫn về việc thực hiện, gây rủi ro cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp.
Tiếp đà hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tháng 7/2023, hàng loạt các chính sách tài khóa vừa được Quốc hội thông qua tạo động lực tăng trưởng kinh tế như giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Đây được coi là những nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn từ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, những băn khoăn trong thực thi vẫn chưa hết, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đặt câu hỏi, rằng chi phí tuân thủ có quá lớn, thủ tục có quá phức tạp?… Ngay trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ diễn ra vừa qua, hàng loạt kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp liên quan tới các quy định về quy chuẩn, chỉ tiêu chưa phù hợp, vẫn làm khó doanh nghiệp. Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc ở một số cấp thực thi tiếp tục được nhắc đến. Đây cũng chính là lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp mỗi khi bàn tới những nỗ lực gỡ khó.
Chỉ rõ những điểm chưa hợp lý làm giảm tác động "thẩm thấu" của chính sách, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích cụ thể với trường hợp áp giảm thuế trước bạ ô tô. Thực tế, cấu thành giá trị của một chiếc ô tô chủ yếu đến từ nước ngoài, chúng ta chỉ làm gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.
"Theo đó, khi khuyến khích người dân mua ô tô thì nước sản xuất các linh kiện ô tô được hưởng lợi là chính, doanh nghiệp chỉ "vơ bèo vạt tép". Chính sách này, theo tôi, chưa thật hiệu quả vì đối tượng mua xe ô tô là những người có thu nhập cao, không phải là những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ trong nền kinh tế”, ông Thế Anh nói.
Hay như vấn đề "nóng" dư luận hiện nay là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Muốn khuyến khích tiêu dùng đồng thời cùng với các mục tiêu an sinh xã hội thì nên hướng giảm VAT vào nhóm những mặt hàng thiết yếu, để giúp cho những người có thu nhập thấp chi tiêu và thanh toán được đối với những hàng hoá thiết yếu đó. Còn với những người có thu nhập cao thì không nhất thiết phải hỗ trợ hàng hoá thiết yếu.
“Muốn kích cầu, chúng ta cần phải xây dựng hệ thống an sinh xã hội, xác định đối tượng nào thu nhập thấp, đang thất nghiệp do tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới và do khó khăn trong nước để trợ cấp tiền mặt, chỉ có vậy mức tăng tiêu dùng mới bật tăng”, ông Thế Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, 2 "rào cản" chính làm giảm hiệu quả của các chính sách là không rõ ràng về đối tượng hưởng cũng như các hướng dẫn về việc thực hiện, gây rủi ro cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vấn đề xác định mã sản phẩm, dịch vụ được/không được giảm thuế VAT đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do không có bộ phận pháp chế và kế toán riêng, người đứng đầu doanh nghiệp chưa nắm vững kiến thức chuyên sâu về thuế, pháp luật.
Theo đó, để chắc chắn về việc áp dụng đúng chính sách và tránh việc xử phạt sau này, tham vấn bằng công văn gửi đến cơ quan thuế là hình thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, hình thức này không phải hiệu quả với tất cả các trường hợp do sự "loay hoay" của các cơ quan thuế. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự đa dạng của các mặt hàng trên thực tế. Vướng mắc đó cũng kéo theo tình trạng áp dụng ưu đãi giảm thuế VAT không thống nhất giữa các địa phương.
Mới đây, một số doanh nghiệp phản ánh, danh mục quy định chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng cơ quan thuế tại địa phương có cách hiểu khác nhau và áp dụng chưa thống nhất về việc áp dụng mức thuế suất cho một số loại mặt hàng. Đơn cử, với doanh nghiệp dệt may, việc mua sợi trong nước để sản xuất tại một số địa phương được áp thuế suất 8% trong khi có địa phương vẫn áp mức thuế suất 10%...
Một vấn đề khác được nêu lên là bỏ sót các đối tượng thuê đất trong chính sách giảm tiền thuê đất. Theo quy định, việc giảm tiền thuê đất chỉ áp dụng cho trường hợp người thuê đất “được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm” hoặc “đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.”
"Yêu cầu trên đã dẫn đến các trường hợp người thuê đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất vẫn hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm do một số nguyên nhân khách quan mà không phải do lỗi từ phía người thuê đất", đại diện cơ quan thuế Hà Nội cho hay.
Đánh giá chung của LinkSME từ khảo sát doanh nghiệp và phân tích chính sách cho thấy, mặc dù có quy mô hỗ trợ lớn nhất, nhưng chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí lại chỉ nhận được 37,8% doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả cao. Ba nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả của các chính sách là quy mô hỗ trợ không lớn (63,5%), các giải pháp hỗ trợ không phù hợp (56,4%) và thời hạn hỗ trợ không đủ dài (52,5%).
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi không chỉ là giảm thuế, giảm lãi suất, mà cần sự hỗ trợ của cả hệ thống một cách đồng bộ, thống nhất trong thực thi các quy định. Chỉ cần một mắt xích nào đó trong hệ thống không hành động, hoặc chậm thực thi, hay thực thi không quyết liệt, thì cả hệ thống chính sách sẽ "trật đường ray"…
Cũng phải nhắc đến các kịch bản tăng trưởng với những thách thức vô cùng lớn trong 2 quý còn lại của năm 2023 đang là trọng tâm bàn thảo của Chính phủ, để có những giải pháp điều hành phù hợp. Tuy nhiên, các con số tuyệt đối dường như không phải là mối quan tâm lớn nhất vào lúc này, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục bất định, chưa thể sớm phục hồi và nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Thực thi chính sách, đảm bảo tối đa hóa hiệu quả của sự hỗ trợ vẫn đáng được ưu tiên đặt lên bàn cân vào lúc này.