Thị trường chứng khoán ngày 19/1: Đà tăng đang chững lại
(DNTO) - Thị trường chứng khoán trong nước phiên hôm qua 18/1, mặc dù có lúc vượt mốc 1.200 điểm, nhưng áp lực chốt lời tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến VN-Index quay đầu giảm hơn 2 điểm, đóng cửa ở mức gần thấp nhất trong ngày.
Kết phiên 18/1, chỉ số VN-Index giảm 2,26 điểm (giảm 0,19%), đóng cửa ở mức 1.191,94 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức gần 750 triệu cổ phiếu (giảm 4%), giá trị gần 17.200 tỷ đồng (giảm 8%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (273 mã tăng/201 mã giảm). Về phía nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 558 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào HPG, SSI, VND, và MBB.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ nhỏ với giá đóng cửa nằm dưới ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại.
Do đó, giới chuyên gia cho rằng, trong phiên giao dịch hôm nay 19/1, VN-Index sẽ tiếp tục gặp khó trước vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm. Chỉ số đang nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1.175-1.180 điểm. Nếu để mất vùng hỗ trợ này, rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ gia tăng trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến kỳ công bố kết quả kinh doanh quý 4/2020 của các doanh nghiệp.
Giới chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu xuống mức 25-40% trong danh mục. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung dài hạn.
Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên xem xét bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự mà giới chuyên gia đã đề cập.
Trên thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày 18/1. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống, sau đà giảm của chứng khoán Phố Wall cuối tuần trước.
Tại Nhật Bản, mở đầu phiên giao dịch ngày 18/1, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,06% (302,08 điểm) xuống 28.217,10 điểm. Mizuho Securities nhận định các nhà đầu tư đang tỏ ra thất vọng do đà giảm của chứng khoán Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời, sau đà tăng gần đây của giá cổ phiếu. Từ đầu tháng 1/2021 đến nay, chỉ số Nikkei 225 đã tăng khoảng 3%.
Chuyên gia Takeo Kamai, tại CLSA, nhận định đà tăng quá nhanh của thị trường chứng khoán trong tháng trước đã khiến cho một số nhà đầu tư cảm thấy thị trường đã trở nên quá nóng. Cùng đà giảm, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 11,58 điểm (0,32%) xuống 3.554,80 điểm.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 119,27 điểm (0,42%) xuống 28.454,59 điểm. Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào số liệu về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Ngày 18/1, Cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, kinh tế tăng trưởng 2,3% trong năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978.
Tuy nhiên, Trung Quốc được đánh giá là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh toàn cầu năm qua phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19.