Thị trường chứng khoán năm 2021 còn nhiều dư địa để phát triển
(DNTO) - Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2021, kinh tế thế giới còn rủi ro từ dịch Covid-19, giá vàng, chứng khoán biến động mạnh, khó đoán định. Việt Nam phải đối diện với những rủi ro ở mức trung bình, chưa quá lo ngại nhưng cũng không nên chủ quan. Năm 2021 thị trường chứng khoán còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Triển vọng kinh tế và cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán
Hội thảo Triển vọng kinh tế tài chính 2021 – 2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, diễn ra chiều 15/1, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết: Việt Nam dù được thế giới ghi nhận là tấm gương trong công tác kiểm soát dịch bệnh nhờ có biện pháp đối phó chủ động, quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn không tránh khỏi sự ảnh hưởng của đại dịch.
Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu đều bị sụt giảm gây suy giảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia tại khu vực châu Á không bị ảnh hưởng quá nặng nề và nền kinh tế đang có dấu hiệu khôi phục nhờ các biện pháp kinh tế vĩ mô hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất của Chính phủ.
Ngược lại với những khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua phục hồi mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư mới và thanh khoản tăng cao.
“Những nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán trong nước liên tục hấp dẫn vốn của các nhà đầu tư và giá cổ phiếu tăng mạnh là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế được duy trì ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan do được chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn, lãi suất tiền gửi liên tục điều chỉnh giảm khiến người dân không muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng, một số ngành lại tìm thấy cơ hội phát triển trong dịch bệnh như công nghẹ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử và sắp tới là xây dựng, bất động sản”, ông Giang đánh giá.
Cũng theo ông Giang, những ngày đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên quay lại lịch sử tiệm cận 1.200 điểm sau 3 năm, và đánh dấu 11 tuần liên tiếp thị trường tăng điểm mạnh.
“Mặc dù sau khi chạm đỉnh thị trường đã có những phiên điều chỉnh, nhưng không thể phủ nhận cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới là rất lớn”, ông Giang nói.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Khái quát thị trường chứng khoán trong năm qua, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, năm 2020 là năm thú vị với thị trường chứng khoán Việt Nam. Chứng khoán của ta phát triển tương đối nhanh, nhưng khá gập ghềnh. Nhưng đến thời điểm hiện nay, thị trường có nền tảng vững chắc, nhất là khi Luật chứng khoán sửa đổi vừa được ban hành có rất nhiều điểm mới.
“Tuy vậy, chúng ta phải cải cách thể chế để theo kịp thị trường, nhất là lĩnh vực chứng khoán rất nhạy cảm”, ông Lực nói.
Nhận định về thị trường chứng khoán năm 2021 và một số định hướng đến năm 2025, theo vị chuyên gia kinh tế này, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.
Cụ thể, hiện vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt mức 120% GDP, thị trường trái phiếu đạt 55% GDP. Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư trên thị trường chỉ 5% dân số (hiện khoảng gần 3 triệu nhà đầu tư, bằng 3,1%), còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Nêu giải pháp đối với doanh nghiệp trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh mô hình 5R: Thích tứng với bình thường mới; phục hồi nhanh; đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh; tái cơ cấu và tăng khả năng sức chống chịu với cú sốc bên ngoài.
Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư, TS. Lực cho biết: “Cơ hội luôn đi kèm rủi ro. Bất kể lĩnh vực nào đầu tư mà có lãi suất khủng thì hãy cẩn trọng, nếu không sẽ “dính” phải đa cấp. Bên cạnh đó, phải biết mình đầu tư làm gì. Không dùng đòn bẩy quá nhiều và đa dạng hóa đầu tư. Đặc biệt, tránh tâm lý bầy đàn, đầu tư theo phong trào. Hãy là nhà đầu tư thông thái và thông qua tổ chức kinh doanh chứng khoán…”, ông Lực khuyến cáo.
Ông Trần Anh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt VFS cho biết, năm 2021 sẽ tiếp tục là năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán cả về thanh khoản và điểm số. Tuy nhiên, tốc độ có phần kém hơn với năm 2020 do triển vọng về kinh tế đã được phản ánh vào P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu).
Ông Thắng nêu 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2021. Theo đó, kịch bản thứ nhất dựa trên lộ trình vaccine, EPS (lợi nhuận trên 1 cổ phiếu) toàn thị trường tăng trưởng tốt, khoảng lớn hơn 18%, chỉ số VN - Index có thể đạt tới 1.250 điểm. Kịch bản thứ hai, với những rủi ro mới tác động, EPS tăng từ 15 - 16%, VN - Index có thể điều chỉnh xuống 950 điểm và dao động trong vùng 950 - 1.000 điểm.
Đưa ra ý tưởng đầu tư, ông Thắng cho rằng, nếu nền kinh tế phục hồi thì ngành tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng sẽ có cơ hội tăng trưởng trở lại. Thứ nữa, lĩnh vực đầu tư công sẽ phát triển mạnh với hạ tầng, xây dựng, vật liệu, cảng biển.
Chuyển đổi số, công nghệ cũng là mảng đầu tư tiềm năng, và bất động sản khu công nghiệp cũng đáng để nhà đầu tư lưu tâm…