Đầu tư chứng khoán 2021: Đừng vội ‘xuống’ tiền theo ‘sóng’ đầu tư công
(DNTO) - Đẩy mạnh đầu tư công tác động tăng trưởng kinh tế nhưng không phải lúc nào cũng là điểm sáng đối với thị trường chứng khoán, khi nhiều dự án lớn vẫn bị “ách” do vấn đề liên quan pháp lý, giải phóng mặt bằng.
Nói về triển vọng phát triển kinh tế năm 2021, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, năm 2021 là năm phục hồi kinh tế chứ không phải tăng tốc, trong đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ là một phần, việc đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân được đặt lên cao hơn và đầu tư công là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định việc làm trong ngắn hạn.
Thực tế, năm 2020, Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước tính thanh toán từ đầu năm đến 30/11/2020 là 336.012,19 tỷ đồng đạt 71,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng), trong đó vốn nước ngoài là 20.586,26 tỷ đồng (đạt 40,21% kế hoạch).
Đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 (91.827,06 tỷ đồng), lũy kế thanh toán đến 31/10/2020, đạt 60,94% kế hoạch; ước thanh toán 11 tháng đạt 67,11% kế hoạch.
Tuy nhiên ông Thắng cũng cho biết, tỉ lệ giải ngân đầu tư công năm 2020 dù đã tăng 34% so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt như kì vọng do các biện pháp thúc đẩy đầu tư công chủ yếu vẫn thông qua các biện pháp hành chính, các giải pháp mang tính nhất thời, chưa phải câu chuyện thay đổi hệ thống chính sách luật pháp để kích thích đầu tư công.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia chứng khoán, Nguyên Giám đốc Đầu tư Quĩ APS Singapore cho biết, trong số vốn giải ngân năm 2020, rất nhiều dự án đã được hoàn thành hoặc gần hoàn thành trong năm 2019, đến năm 2020 hoàn thiện thủ tục. Vì vậy tác động giải ngân vốn đầu tư công đến việc thu lại dòng tiền của doanh nghiệp thì ổn nhưng tác động tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp chưa mạnh mẽ.
Ông Tường đưa ra ví dụ về Tổng Công ty Sông Đà khi đầu tư vào nhiều dự án thủy điện tại và dự án BOT chậm thu hồi vốn đã đẩy những khoản nợ phải thu của doanh nghiệp này lên tới 10,7 nghìn tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn khoảng 1,9 nghìn tỉ đồng (2019), cộng thêm nợ phải thu lũy kế từ nhiều năm nhưng đến năm 2020 vẫn chưa thu được tiền, khiến doanh nghiệp này lâm vào khủng hoảng nợ.
Vì vậy, theo ông Tường, các nhà đầu tư chứng khoán đừng chỉ nhìn các con số đầu tư công mà phải xem thực tế các dự án và tình hình doanh nghiệp.
“Con số giải ngân thật, tiền ra thật nhưng đối với chứng khoán chưa chắc là điểm sáng, vì vậy nhà đầu tư phải cẩn thận. Đặc biệt với các dự án, công trình lớn, nếu hệ thống pháp lý chưa rõ ràng, minh bạch thì có nhiều công trình khởi công xong nhưng vẫn ì ạch vì vướng mắc khi giải phóng mặt bằng, chẳng hạn như Chuỗi dự án mỏ khí Cá Voi Xanh”, ông Tường nhấn mạnh.
Do đó, ông Đào Phúc Tường nhận định, các dự án nhỏ tại địa phương được Chính phủ đầu tư sẽ có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư chứng khoán hơn các dự án quốc gia, bởi rất nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện phục vụ dự án địa phương, khi họ có được hợp đồng, lợi nhuận tăng nhiều lần, giá trị chứng khoán tăng nhiều hơn.
Cũng theo ông Trần Toàn Thắng, hiện Chính phủ và Quốc hội đã cho phép thực hiện đồng thời quy hoạch tỉnh và vùng. Vì vậy, ông Thắng kì vọng đến hết năm 2021 hoàn thành quy hoạch tỉnh sẽ là động lực để kinh tế phát triển .
“Các công trình đầu tư công ở địa phương đa số là công trình nhỏ nhưng sẽ là động lực để kinh tế phục hồi trong năm 2021 vì đầu tư công giai đoạn này cần gắn với thúc đẩy việc làm và đảm bảo đời sống của người lao động”, ông Thắng cho hay.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 dự kiến là 477.300 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2020. Cụ thể, vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng (tăng 0,9% so với năm 2020), bao gồm: vốn trong nước là 170.450 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 255.300 tỷ đồng (tăng 1,9%).
Trong đó, dự kiến phương án phân bổ vốn trong nước gồm: phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia 16.000 tỷ đồng; bố trí cho dự án quan trọng quốc gia 19.698 tỷ đồng (dự án cao tốc Bắc - Nam là 15.038 tỷ đồng; dự án tái định cư sân bay Long Thành 4.660 tỷ đồng); cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý, vốn điều lệ cho các ngân hàng và quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là 5.552 tỷ đồng; đầu tư cho các dự án quốc phòng của Bộ Quốc phòng từ lợi nhuận sau thuế của Viettel 5.000 tỷ đồng; bố trí 18.209 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm, lan tỏa, có tính chất liên tỉnh, liên vùng; hoàn trả tạm ứng…
Số vốn còn lại sau khi bố trí cho các nhiệm vụ nêu trên để bố trí cho các các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực là 104.049,11 tỷ đồng.