Thị trường chứng khoán và bất động sản toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro
(DNTO) - Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro dù tăng nhanh thời gian qua. Bên cạnh đó, đà tăng của thị trường bất động sản cũng không bền vững
5 dấu hiệu rủi ro đang tích tụ trên thị trường chứng khoán và bất động sản
TS. Cấn Văn Lực cho biết, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu đi ngược, nhiều thị trường tăng điểm mạnh như HNX-Index (Việt Nam), S&P 500, Nasdaq (Mỹ), Kospi (Hàn Quốc)…
Tuy nhiên theo TS. Lực, nguyên nhân của sự tăng điểm trên thị trường chứng khoán này lại cho thấy dấu hiệu rủi ro đang tích tụ bởi 5 lý do.
Thứ nhất, dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể là từ các gói kích thích kinh tế vốn được kỳ vọng sẽ đi vào lĩnh vực sản xuất, đầu tư tài sản cố định và tiêu dùng hơn là chứng khoán.
Thứ hai là sự mất dần tính kết nối, tương quan giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế thực (thị trường chứng khoán tăng mạnh trong khi kinh tế suy thoái, doanh nghiệp khó khăn, phá sản).
Thứ ba, đà tăng của thị trường chứng khoán chủ yếu do các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như công nghệ, y dược, thương mại điện tử chứ không phải nhiều ngành nghề.
“Ngoài ra, đà tăng đến từ tâm lý bầy đàn, đầu tư chứng khoán theo đám đông và đòn bẩy tài chính (đặc biệt đòn bẩy đầu tư cá nhân) tăng vọt sẽ khuếch đại mức độ và phạm vi rủi ro”, ông Lực phân tích.
Cuối cùng, lãi suất thấp kỷ lục khiến nhà đầu tư bỏ tiền vào chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư bất động sản. Do đó, thị trường chứng khoán vẫn có thể tiếp tục trong xu hướng đi lên, song cũng có thể đảo chiều nhanh, nguy cơ sụt giảm vẫn tiềm ẩn trước khi kinh tế thực sự hồi phục bền vững.
Về lĩnh vực bất động sản, theo chuyên gia Cấn văn Lực, hiện giá nhà ở tại nhiều thành phố, nhiều nước vẫn tăng cao (chỉ giảm nhẹ ở một số nước, trong đó có Việt Nam), phản ánh nhu cầu nhà ở vẫn được duy trì nhờ dòng tiền từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, từ tín dụng ngân hàng, lãi suất thấp và kỳ vọng kinh tế sớm phục hồi của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên ông Lộc cho rằng, đà tăng của thị trường bất động sản không bền vững, 5 dấu hiệu rủi ro đang tăng như: Bong bóng bất động sản; giá thuê giảm và xu hướng cắt giảm diện tích ở nhiều thành phố; chỉ số giá cổ phiếu bất động sản toàn cầu đã giảm hơn 10% kể từ đầu năm đến nay trong khi các ngành khác tăng/chững lại; đầu tư vào bất động sản thương mại toàn cầu giảm 38%, nhưng năm 2021 sẽ bật tăng trở lại (khoảng 50%). Bất động sản hiện đang cơ cấu lại, hy vọng sau cơ cấu sẽ ổn định hơn.
Thị trường chứng khoán và bất động sản có triển vọng phục hồi trong trung - dài hạn
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, thị trường chứng khoán phục hồi và chu kỳ điều chỉnh của thị trường bất động sản Việt Nam có thể kéo dài hơn dự kiến, nhưng sẽ tăng trưởng bền vững hơn trong trung – dài hạn.
Tương tự các thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh (tháng 3, 7 và 8/2020 so với đầu năm), song gần đây đã phục hồi mạnh và tăng 14,4% so với đầu năm (VN-Index), thậm chí HNX-Index tăng mạnh 77,5%.
Cùng với đó, thị trường bất động sản cũng giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bất động sản niêm yết giảm khoảng 30% trong 9 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng hoạt động 11 tháng năm 2020 tăng 117% so với cùng kỳ năm 2019.
“Tuy mức độ sụt giảm của thị trường bất động sản sẽ không lớn như giai đoạn 2008-2009 (giảm mạnh 60-65%) và giá cổ phiếu nhóm ngành bất động sản chỉ giảm nhẹ 0,6% trong 11 tháng đầu năm 2020, song nhịp điều chỉnh của thị trường bất động sản Việt Nam có thể kéo dài hơn dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiếp tục cơ cấu lại trong 2 năm gần đây”, ông Lực nhận định.
Với những bước tiến về thể chế, công nghệ, quy mô thị trường, mức độ chuyên nghiệp, năng lực hệ thống quản lý - giám sát, và nhất là triển vọng phục hồi kinh tế năm 2021, khả năng bứt phá giai đoạn 2022-2025, thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam có triển vọng phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn trong trung - dài hạn và hội nhập sâu rộng hơn (khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng giai đoạn 2022-2023 là khá cao. Đặc biệt, thị trường bất động sản Việt Nam lần đầu tiên được đánh giá là thị trường “bán minh bạch” theo xếp hạng của IIL 20202.