Khi nhạc sống trở thành nỗi ám ảnh
(DNTO) - Âm nhạc là một phần của đời sống. Điều đó ai cũng rõ. Nhưng có những trường hợp nó lại trở thành một vấn nạn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Đó là khi người ta lạm dụng nhạc sống như một thứ “vũ khí” đe dọa đời sống tinh thần và sức khỏe của con người.
Ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong khu vườn cây ăn trái của cô Tư được trang hoàng thật lộng lẫy. Dưới tàn cây vú sữa trong một góc sân rộng là cái sân khấu cũng lộng lẫy không kém. Cạnh đó, mấy anh ban nhạc đang loay hoay chỉnh cho 6 cái thùng loa to đùng day mặt ra hướng bờ sông. “Một, hai, ba, bốn… Một, hai, ba bốn… A lô… a lô…”. Nghe tiếng, ai cũng biết là anh Hiệp đang thử máy. Anh Hiệp là nông dân chính hiệu, thâm niên ba đời làm mướn, chữ nghĩa đựng không đầy lá mít nhưng nhờ dạn dĩ, dẻo miệng lại giỏi hài hước nên được xem là một MC sáng giá của ấp Xẻo Quao. Anh rất tự hào về điều này. Có lúc cao hứng, anh phát biểu: “Làm “êm xi” chương trình ca nhạc miệt vườn đâu phải dễ. Sắp xếp chương trình lơ mơ, “ca sĩ” nó giành nhau, quýnh “êm xi” ba má nhìn hổng ra …”.
"Một, hai, ba, má… A lô… a lô…". Anh Hiệp vừa dứt lời, xèng một cái, ban nhạc nổi lên, thiên hạ kéo tới rần rần, xoay qua xoay lại kín mít gần hai chục bàn. MC Văn Hiệp cầm tờ giấy lịch ghi các tiết mục đã được chuyền tay đăng ký, giơ ra chỗ ánh đèn, nheo mắt tằng hắng một cái rõ to trong micro: “Mở đầu chương trình văn nghệ chúc mừng đám cưới của đôi tân lang và tân giai nhân trong buổi tối hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu giọng ca của chị Hai Bún với bản nhạc mang tên Đám cưới đầu xuân. Mời chị Hai Bún”.
Chị Hai Bún không ngờ tiết mục của chị được xếp đầu tiên nên khi nghe giới thiệu trúng tên mình, chị hớt hải từ dưới bếp chạy lên, tay còn cầm cái vá, miệng ngậm một búng cháo. Vội vã nuốt cái ực, quăng vá lên bàn, vuốt vuốt lại vạt áo, chị Hai Bún bước lên sân khấu… Tiếng nhạc nổi lên hòa với tiếng vỗ tay rần rần. Sau gần mười phút cả ca sĩ và nhạc công ra sức vật vã đường ai nấy đi, bài ca cũng kết thúc.
MC Văn Hiệp: “Cám ơn giọng ca ngọt ngào đầy cảm xúc của chị Hai”. Thêm mấy cái giọng ca “ngọt ngào đầy cảm xúc” nữa thì không khí bữa tiệc nóng lên hừng hực. Thôi thì đủ các thể loại nhạc vàng nhạc đỏ. Nào là Tiểu đoàn 307, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây… Nhưng chủ lực vẫn là Boléro. Nào là Đám cưới trên đường quê, Ngày xuân vui cưới, Anh number one… đến Đêm cuối, Đôi ngả chia ly … thậm chí chơi luôn Đồi thông hai mộ…
Trên đây là khung cảnh tiệc cưới phổ biến hiện nay ở một vùng nông thôn. Kể từ thập niên 90, khi Karaoke du nhập vào nước ta rồi ào ạt tràn xuống tận các vùng nông thôn hẻo lánh, cộng thêm lưới điện Bắc Nam phủ khắp thì dân ta cứ “ra ngõ gặp ca sĩ”. Vài năm trở lại đây, có vẻ như Karaoke thoái vị và nhạc sống soán ngôi. Không chỉ đám cưới, bất kể đám giỗ, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng, đám tang… thậm chí không có đám gì hết người ta vẫn tiện tay kéo “dàn loa kẹo kéo” về hát chơi.
Làng quê bây giờ không còn cái không gian yên ả, bất cứ giờ nào cũng trống nhạc tưng bừng là có thật. Khổ nhất là người già, trẻ nít cùng các cháu học sinh không ngủ nghỉ học hành gì được trong những thời điểm ấy bởi âm thanh gào rú có khi suốt cả ngày đến tận nửa đêm.
Không chỉ người ngoài mà cả thực khách trong đám cũng bị tra tấn. Đám tiệc là nơi tập trung họ hàng, người thân, bạn bè, có những trường hợp đã lâu không gặp. Nhu cầu thăm hỏi, chia sẻ vì những âm thanh vang dội ấy mà không thể trao đổi, đành mạnh ai nấy cắm cúi mà ăn. Cần thiết thì ra hiệu bằng tay hoặc người này phải áp miệng vào tai người kia hét toáng lên chẳng ngữ điệu buồn vui gì được. Cảnh ấy vừa khiếm nhã, vừa mất vệ sinh, nhất là trong tình hình dịch bệnh càng làm người ta thêm ái ngại. Người lớn tuổi có bệnh cao huyết áp, chỉ nửa bữa là chạy vì màng nhĩ lùng bùng, tim đập, mắt hoa, đầu váng.
Ở nông thôn, chuyện trâu bò hoảng hốt tung chuồng khi bị tiếng nhạc giật đùng đùng nổi lên bất ngờ là chuyện có thật. Chuyện MC xếp thứ thự tiết mục “ăn gian” hoặc “ca sĩ” giành micro xảy ra ẩu đả nhau, gây náo loạn xóm làng cũng là có thật.
Tóm lại, đúng và đủ chính là giới hạn cần thiết trong cuộc sống. Âm nhạc trong các đám tiệc cũng vậy: Thời lượng chương trình vừa đủ, cường độ âm thanh vừa đủ, nội dung các bài hát phù hợp với hoàn cảnh… Có như vậy, âm nhạc mới không bị “mang tiếng”, chủ nhà thì vui vẻ còn thực khách không bị “ám ảnh”.