Yếu tố nào có thể 'kìm' mức tăng trưởng tín dụng năm 2021?
(DNTO) - Dù kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đối với các ngân hàng trong năm 2021, vì vậy, theo chuyên gia, các ngân hàng sẽ thận trọng khi tăng trưởng tín dụng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự báo về dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng sẽ tăng 3,6% trong quý 1/2021 và tăng 13% trong năm 2021, với cơ sở là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Công ty Cổ phần chứng khoán SSI cũng dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt từ 13 - 14% nhờ những tín hiệu phục hồi kinh tế, sự tăng trưởng cho trở lại của cho vay bán lẻ, tiêu dùng và cho vay doanh nghiệp.
Tuy nhiên với nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực ngân hàng, ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường, FiinGroup, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2021 cũng sẽ không có nhiều đột biến so với năm 2020, dao động ở mức 11-13%, theo kịch bản cơ sở của FiinGroup.
Nguyên nhân được ông Đồng chỉ ra là do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn khó đoán định và khả năng phục hồi của doanh nghiệp chưa thể nhanh. Ngoài ra, về cơ cấu phân bổ tín dụng, theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng thận trọng trong tăng trưởng tín dụng, không đánh đổi giữa việc tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản.
“Về mặt định hướng, theo tôi các ngân hàng thương mại vẫn sẽ tập trung vốn cho những lĩnh vực ưu tiên như chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến xuất khẩu hoặc cho vay tiêu dùng”, ông Đồng nêu quan điểm.
Trong lĩnh vực đầu tư công, theo ông Lê Xuân Đồng, các ngân hàng thương mại cũng rất thận trọng khi giải ngân, đặc biệt đối với hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại những dự án BOT, bởi đây vẫn là vấn đề nhức nhối với ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với BOT hiện khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm 1,3% trên tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỉ lệ nợ xấu hiện tại trên báo cáo sổ sách là 5%. Tuy nhiên, theo ông Đồng, phần lớn các ngân hàng có dư nợ tín dụng đối với BOT đều đã phải tái cơ cấu để duy trì hoạt động, hay nói cách khác là chuyển thành nợ xấu.
“Vì vậy bản thân các ngân hàng cũng giữ những quan điểm rât thận trọng trong giải ngân, kể cả có hỗ trợ đầu tư công thì họ cũng sẽ chọn lĩnh vực an toàn, hiệu quả chứ không chỉ giải ngân theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ trước đây, trừ một số ngân hàng có vốn của Nhà nước lớn”, ông Đồng nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia này, do tình hình dịch bệnh còn khó đoán định, nền kinh tế thế giới chưa có nhiều chắc chắn về sự phục hồi nên các lĩnh vực đầu tư có rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ khiến các ngân hàng thận trọng khi giải ngân.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước tung gói 300.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp bởi tác động dịch bệnh, nhưng thực tế gói hỗ trợ này chưa thực sự phát huy hiệu quả vì không có nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận.
Theo các chuyên gia, những đối tượng có thể tiếp cận các gói này phần lớn là những doanh nghiệp lớn, những khách hàng thân thiết của ngân hàng và những khách hàng có khả năng trả nợ. Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang lao đao vì dịch bệnh rất khó tiếp cận vì thiếu tài sản thế chấp. Do đó, tăng trưởng tín dụng tăng trong năm tới sẽ chủ yếu là nhắm vào những khách hàng tốt của ngân hàng.