Thêm cơ hội sinh lời cao hơn đối với nhà đầu tư khi Big 4 tăng lãi suất vào đầu quý IV
(DNTO) - Tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang "hụt hơi" so với tín dụng, nhiều khả năng nhóm Big 4 sẽ phải tăng lãi suất 12 tháng từ đầu quý IV. Động thái này dù đặt áp lực tăng lên chi phí trả lãi trái phiếu thả nổi, nhưng sẽ làm tăng lợi suất đầu tư cho doanh nghiệp phát hành trên thị trường thứ cấp.
Lãi suất của nhóm Big 4 sẽ đi theo 2 kịch bản
Có thể nói đến hiện tại, nhóm Big 4 vẫn đang giữ mặt bằng lãi suất huy động thấp tối đa và sát với quy định, chưa kể có những thời điểm còn thấp hơn so với lãi suất liên ngân hàng được áp giao dịch qua đêm. Kể cả sau động thái hạ lãi suất công cụ OMO của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 5/8 để hỗ trợ vốn chi phí thấp và thanh khoản tốt hơn cho các ngân hàng trong giai đoạn cần đẩy mạnh tăng trưởng cho vay, lãi suất liên ngân hàng cũng chỉ về mức 4,35% - không thấp hơn bao nhiêu so với mốc huy động 4,8% mà nhóm Big 4 đang áp dụng.
Theo đó, sự tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động của Agribank mới đây khiến thị trường dồn sự chú ý vào động thái lãi suất chung của nhóm Big 4. Đây là nhóm có thị phần tín dụng lớn trên thị trường, có tầm ảnh hưởng về lãi suất và thanh khoản. Mỗi động thái của ngân hàng nhóm đều được thị trường theo dõi liệu có phải là “bật tín hiệu” hoặc sự “dò đường” của chính sách lãi suất điều hành.
Trong “cuộc đua” lãi suất huy động nói chung từ nay đến cuối năm, ông Đoàn Minh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích FIDT nhận định, xu hướng lãi suất của nhóm ngân hàng Big 4 sẽ đi theo 2 kịch bản: Thứ nhất, nếu tăng trưởng tín dụng cao, đến hết quý III có thể đạt 90% chỉ tiêu mà huy động không tăng trưởng mạnh, đồng thời không có rủi ro thay đổi của các biến số vĩ mô dẫn đến thay đổi lãi suất điều hành, thì khả năng “trần” lãi huy động cao của nhóm, lấy lãi suất tiết kiệm Vietcombank 12 tháng hiện tại dự phóng, có thể điều chỉnh nhẹ ở mức 5,0%.
Thứ hai, ở kịch bản cao hơn, tăng trưởng tín dụng hệ thống đạt mục tiêu 14-15%, lãi suất huy động cao nhất của nhóm (theo lãi suất 12 tháng Vietcombank) có thể lên mức 5,5% -6,0%, là mức tăng phù hợp tăng trưởng kinh tế và không có rủi ro đảo chiều chính sách tiền tệ.
Tại báo cáo mới công bố của FiinRatings ngày 26/8 cũng nhận định, trong tháng 7, lãi suất huy động 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân tiếp tục tăng thêm 19 điểm cơ bản, trong khi một số nhóm ngân hàng Big 4 mới chỉ tăng nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn dưới 12 tháng để hỗ trợ thanh khoản trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang rất chậm so với tín dụng, nhiều khả năng nhóm ngân hàng Big 4 cũng sẽ phải tăng lãi suất 12 tháng từ cuối quý 3, đầu quý 4. Ghi nhận đến cuối tháng 6, tăng trưởng tiền gửi toàn hệ thống mới chỉ đạt 1,5%, rất thấp so với tín dụng đã tăng 6%. Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ được khai thác mạnh hơn khi các doanh nghiệp sử dụng hết hạn mức cho vay tại các ngân hàng thương mại, từ đó giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn.
"Về phía doanh nghiệp phát hành, việc tăng lãi suất này sẽ đặt áp lực tăng lên chi phí trả lãi trái phiếu định kỳ đối với các trái phiếu trả lãi thả nổi, nhưng rõ ràng đây sẽ là cơ hội sinh lời cao hơn đối với nhà đầu tư. Trên thị trường thứ cấp, lãi suất kỳ vọng của nhà đầu tư tăng sẽ làm giảm giá trái phiếu và tăng lợi suất đầu tư (YTM)", FiinRatings đánh giá.
'NHNN cũng sẽ không cần phải nâng lãi suất điều hành'
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng NHNN phải đối diện với áp lực về tỷ giá trong nửa cuối năm 2024 và có khả năng phải tăng lãi suất điều hành thêm 25-50 điểm cơ bản (0,25 – 0,5 điểm %). Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì, NHNN có thể phải tiếp tục tiêu hao dự trữ ngoại hối nếu muốn kiềm giữ tỷ giá. Do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hạn hẹp trong khi nhu cầu đối với đồng USD thường tăng trong giai đoạn gần cuối năm. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro việc tiêu hao dự trữ ngoại hối của NHNN không đạt được mục đích kiềm chế đà tăng của tỷ giá.
Song, hiện tại xu hướng tăng giá của tiền đồng đã tiếp diễn trong tháng qua nhờ đồng USD giảm mạnh. Tại ngày 23/08, chỉ số đồng USD đã giảm về mức 100,7 - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Tỷ giá USD/VND bình quân trên thị trường chính thức đã giảm về 24.978 đồng/USD, giảm 1,1% so với cuối tháng trước. Tỷ giá bán tại Vietcombank cũng đã giảm về mức 25.050 đồng/USD tại ngày 26/8, thấp hơn 370 đồng/USD so với cuối tháng 7. Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá bán tại ngày 23/8 đã giảm về mức 25.280 đồng/USD, giảm 1,7% so với cuối tháng 7.
"Như vậy, tỷ giá USD/VND đã giảm nhanh hơn so với kỳ vọng của chúng tôi nhờ diễn biến suy yếu của đồng USD. Dự báo áp lực về nhu cầu USD tăng trở lại trong cuối quý 3 và đầu quý 4 cũng sẽ không gây áp lực đến triển vọng tỷ giá. Tỷ giá USD/VND cuối năm 2024 có thể dao động quanh mức 25.000 đồng/USD, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái", Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết.
Đáng chú ý, lãi suất trên thị trường mở cũng có sự điều chỉnh trong tháng 8. Từ 5/8, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25 điểm % lãi suất kênh cầm cố và tín phiếu từ 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm. Tiếp đó, lãi suất phát hành tín phiếu được điều chỉnh giảm thêm 0,15 điểm % trong tuần trước xuống còn 4,15%/năm tại ngày 23/8. Diễn biến này đi cùng với việc tỷ giá tiếp tục giảm trong tháng qua, đồng thời, NHNN cũng tận dụng việc Fed cắt giảm lãi suất điều hành trong tháng tới để điều chỉnh lãi suất điều hành trên thị trường mở.
"Với diễn biến tỷ giá hiện tại, NHNN cũng sẽ không cần phải nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá trong các tháng còn lại của năm", VDSC nhận định.