Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Cần chuẩn bị bài bản, kĩ lưỡng
(DNTO) - Học hỏi và chọn lọc kinh nghiệm từ quốc tế, nghiên cứu kĩ lưỡng địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân và tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ giúp việc phát triển điện hạt nhân đi đúng hướng.
Sau khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) nhất trí khởi động lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân, có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về các vấn đề liên quan đến nguồn điện này.
Tuy nhiên, theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%. Năm 2024, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 7% và với mục tiêu tăng trưởng của những năm sắp tới, nhu cầu điện cũng tăng ít nhất khoảng 10%... Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tuyên bố “dứt khoát không thể thiếu điện”.
Điện hạt nhân đáp ứng cả 2 tiêu chí “xanh” và “ổn định” vì là nguồn năng lượng không phát thải, được các nhà nghiên cứu đánh giá là “sạch nhất”, có hệ số công suất cao (tới 90%), phát điện ổn định hơn tất cả các loại hình khác nên được coi là nguồn điện nền quan trọng trong sản xuất điện toàn cầu. Như vậy, việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ đáp ứng cả 2 yêu cầu: phục vụ phát triển kinh tế và chuyển đổi xanh trong sản xuất.
Nhưng, để có thể tái khởi động dự án điện hạt nhân, còn rất nhiều việc phải làm trước khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương. Trong đó, khâu chuẩn bị cần thực hiện kĩ lưỡng.
Cần nhớ rằng, năm 2009, chúng ta đã từng có chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng tới năm 2016, tức sau gần 7 năm, dự án buộc phải dừng do chúng ta phải dồn lực cho các dự án trọng điểm khác.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Vương Hữu Tấn - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thời điểm đó chưa thực hiện theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) một phần vì hướng dẫn NG-N-3.1 mới được ban hành, còn hướng dẫn SSG-16 chưa có.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội chỉ một Báo cáo xin chủ trương đầu tư, không có Báo cáo về các cơ sở hạ tầng cần thiết, đặc biệt các hạ tầng về an toàn và an ninh hạt nhân, trong khi đây là đặc thù riêng, rất quan trọng của dự án điện hạt nhân, không giống bất kỳ một dự án năng lượng khác.
“Nếu không có các hạ tầng cần thiết này thì không thể cho phép triển khai dự án điện hạt nhân cho dù Báo cáo xin chủ trương đầu tư của dự án điện hạt nhân đủ điều kiện để được phê duyệt”, ông Tấn phân tích.
Theo IAEA, có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được quan tâm xây dựng và hoàn thiện trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân. Riêng cơ sở hạ tầng về an toàn và an ninh hạt nhân thì có 20 vấn đề cần được quan tâm xây dựng.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đối với nước ta là một dự án hoàn toàn mới, đầu tư lớn, phức tạp và có yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho tái khởi động Dự án phải được làm một cách bài bản hơn và tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của IAEA.
“Chỉ có như vậy mới tạo được lòng tin của người dân cũng như cộng đồng quốc tế về công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân”, PGS.TS Vương Hữu Tấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc lựa chọn địa điểm để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng rất quan trọng. Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải bảo đảm những đòi hỏi rất cao về tính an toàn của nền móng công trình, an toàn với các hiện tượng tự nhiên cực đoan như: lốc xoáy, lũ lụt, động đất, sóng thần…; đáp ứng được tính hợp lý về kinh tế, giảm thiểu tác động tới môi trường và được người dân địa phương chấp thuận.
Nhưng lựa chọn được các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta thực sự là một quá trình lâu dài, công phu, tốn kém. Việc này đã kéo dài từ năm 1996-2016. Số tiền viện trợ không hoàn lại từ Nga và Nhật Bản để Nghiên cứu khả thi (FS) của hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 đã lên tới 30 triệu USD mỗi dự án. Ngoài ra, kinh phí mà Việt Nam đã bỏ ra để nghiên cứu, khảo sát, phân loại, đánh giá mỗi địa điểm cũng lên tới hàng chục triệu USD.
Kết quả, có 8 địa điểm đã được đưa vào quy hoạch để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Đặc biệt, các nghiên cứu kỹ lưỡng đã được thực hiện đối với địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2) tại tỉnh Ninh Thuận.
Vì vậy, theo Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, chúng ta cần kế thừa các địa điểm và công nghệ điện hạt nhân đã nghiên cứu. Một số lập luận cho rằng “không dùng công nghệ của Nga, Nhật mà phải phát triển nhà máy điện hạt nhân kiểu mới” là không có cơ sở, thiếu thông tin.
Bởi thực tế, các quốc gia mới xây dựng và đang vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên như UAE, Belarus, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều đều sử dụng công nghệ PWR thế hệ III+, là thiết kế tiên tiến, hiện đại. Đây cũng là công nghệ dự kiến sử dụng cho nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 của ta.
“Thế hệ III+ đến thời điểm này đã được kiểm chứng theo tiêu chí của Quốc hội, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất hiện nay. Các tai nạn như kiểu Chernobyl và Fukushima đã được tính đến để không thể xảy ra. Đối với vấn đề phòng chống khủng bố, nhà máy điện hạt nhân là công trình được thiết kế vững chắc nhất trong việc chống lại các loại khủng bố, kể cả máy bay đâm”, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết.